Một số doanh nghiệp ở VN đã đưa robot vào dây chuyền sản xuất để thay thế công nhân. Lực lượng công nhân sẽ đi về đâu đang là mối bận tâm của nhiều người.
Một cánh tay robot trị giá khoảng 10 tỉ đồng tại Công ty Hồng Ký. ẢNH: PHƯƠNG YÊN
Phóng viên đã đến các phân xưởng để ghi nhận sự tác động không thể cưỡng lại của công nghệ.
Vắng bóng công nhân
Phải thông qua một người bạn, chúng tôi mới được chủ một doanh nghiệp (DN) gốm sứ lớn ở VN cho vào dây chuyền sản xuất với lời khẳng định chắc nịch: “Đây là bí mật DN. Anh là một trong những người ngoài hiếm hoi được tham quan để hiểu việc tự động hóa trong thời điểm này đang diễn ra đến mức nào. Nguyên tắc là không quay phim, chụp hình trong phân xưởng”.
Hình dung từ trước tới nay của chúng tôi về một phân xưởng tấp nập công nhân làm việc đã biến mất hoàn toàn khi bước vào phân xưởng này. Thay vào đó là khung cảnh không một bóng người. Chỉ có tiếng máy chạy xình xịch, những cánh tay robot đang thực hiện những công đoạn làm ra chén đĩa, ly tách… từ đầu đến cuối.
Dây chuyền bắt đầu ngay từ khi những mảng đất sét đầu tiên được đưa vào máy. Máy được lập trình sẵn về mẫu để tạo hình. Sau đó, dây chuyền tiếp tục đưa những mẫu này sang các công đoạn khác như tráng men, cố định chân đế, nung… Một cánh tay robot xếp sản phẩm vào từng khay để đảm bảo mỗi khay gồm 2 đĩa và 2 chén. Vì dây chuyền làm đĩa và chén riêng nên cánh tay robot sẽ tự động cân đối hai phía để sắp xếp cho hợp lý. Dây chuyền tiếp tục đi đến một công đoạn khác là dán hoa văn cho mỗi sản phẩm. Cuối cùng, mỗi khay đi đến điểm được phân định sẵn cuối dây chuyền. Lúc này mới xuất hiện vài công nhân làm nhiệm vụ xếp sản phẩm vào hộp để đóng gói.
Cho dù tự động hóa theo cách gì cũng phải cần con người, nhưng là con người theo một cách khác
|
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Namilux
|
|
Chủ DN còn đưa chúng tôi đến một dây chuyền sản xuất đang chuẩn bị hoạt động trong vài ngày tới. Dây chuyền này hiện đại hơn nhiều với ít nhất 5 robot lớn đảm nhiệm các công việc cho những sản phẩm phức tạp hơn. Năng suất của dây chuyền robot này thật đáng kinh ngạc. Nếu trước đây, với sự tham gia của công nhân ở tất cả dây chuyền, thời gian hoàn thành một đơn hàng khoảng 2 tháng thì với robot chỉ còn khoảng 2 tuần. Sản phẩm từ dây chuyền tự động hóa đáp ứng thị trường tốt hơn nên được ưa chuộng và đơn hàng nhiều hơn.
Một DN khác cũng đang áp dụng tự động hóa là Công ty Namilux chuyên sản xuất bếp gas. Dẫn chúng tôi đi khắp 3 tầng lầu của phân xưởng nằm trong khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc công ty, thừa nhận DN bắt buộc phải đi đến tự động hóa để cạnh tranh, nâng cao chất lượng. Đúng như mô tả của ông Dũng, hầu hết các khâu trong dây chuyền sản xuất của công ty đều chỉ có 1 – 2 người đứng xử lý. Thậm chí, mỗi chi tiết linh kiện nhỏ nhất cũng đã được máy làm thay.
Năng suất tăng cao, giảm thiểu hàng lỗi
Ông Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định việc áp dụng robot vào sản xuất là xu thế không thể cưỡng lại. Nhà máy luôn cần tăng doanh số, đạt mục tiêu tăng trưởng, nếu không sẽ không đủ chi phí. Trong khi đó, giá bán ngày càng giảm mà chi phí sản xuất lại tăng. Muốn vậy, chỉ có giảm lãng phí, tăng năng suất và số lượng. Áp dụng dây chuyền máy móc càng tự động thì giải quyết càng tốt vấn đề này.
Năm 2015, Công ty cơ khí Hồng Ký (TP.HCM) nhập về VN cánh tay robot đầu tiên vào dây chuyền sản xuất máy cơ khí. Chi phí đầu tư khoảng 10 tỉ đồng/robot. Theo ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc kinh doanh cơ khí Hồng Ký, lúc mới trang bị robot, nhân công lẫn những người làm công tác quản lý vẫn chưa hình dung được làm thế nào “sống chung” với robot. Nhiều nghi ngại đã phát sinh nhưng sau gần 2 năm, kết quả của quyết định đầu tư này đã thấy rất rõ. Đó là năng suất tăng rất cao và quan trọng hơn cả là giảm thiểu được sản phẩm bị lỗi. Tính chính xác trong thao tác của robot là tuyệt đối nên chất lượng sản phẩm nhờ vậy mà đồng đều. Công ty này cũng đang lên kế hoạch nhập thêm nhiều robot trong năm 2017 để kiện toàn dây chuyền sản xuất máy móc.
Một số công ty khác cũng cho biết sẽ đầu tư hệ thống sản xuất tự động, robot… để hướng đến sản xuất thông minh vì bắt buộc phải đi theo xu hướng. Vừa qua, Công ty cổ phần Lâm Việt (Bình Dương) đã đầu tư hơn 1 triệu USD trang bị máy móc, thiết bị tự động, bán tự động để tăng năng suất lao động. Công ty TNHH Đức Lợi cũng vừa khảo sát và hoàn thiện các bước để đưa hơn 20 robot vào dây chuyền sơn. Giá mỗi robot khoảng 70.000 USD.
Không thể cưỡng lại xu thế
Hiện nay, hàng loạt công ty lớn nhất của thế giới đang áp dụng robot vào hoạt động. Thống kê cho thấy ít nhất 20 công ty lớn nhất thế giới đang thực hiện sự thay đổi này.
Đầu năm 2017, Foxconn – công ty sản xuất thiết bị cho Apple, Samsung và Microsoft – đã thay thế 60.000 nhân công bằng robot. Hiện nay Amazon có 30.000 robot làm việc tại các nhà kho trên khắp thế giới. Trong tương lai gần, hãng này dự định thay thế tất cả nhân viên thực hiện công việc lặp lại bằng robot.
Ứng dụng taxi Uber cũng đang thử nghiệm xe tự lái trên đường phố San Francisco, bất chấp những quy định nghiêm ngặt của bang California, Mỹ. Đầu năm 2017, Hãng thời trang thể thao Adidas đã mở nhà máy tự động đầu tiên tại bang Bavaria (Đức). Nhà máy Speedfactory của Adidas cũng đã tiết lộ quá trình sản xuất giày bằng robot và dự kiến mở thêm nhiều nhà máy như thế tại Mỹ và Tây Âu trong năm tới. Wal-Mart đang thử nghiệm máy bay không người lái tại các trung tâm điều phối hàng. MasterCard hợp tác cùng Pizza Hut thử nghiệm robot phục vụ và tính tiền tại các nhà hàng Pizza Hut ở Trung Quốc…
|
Đăng Nguyên/TNO
Tin liên quan
Ngày 22-11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Vietnam Brand Purpose đã tổ chức diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững”....
Sáng 21-11, Triển lãm quốc tế máy móc, thiết bị, công nghệ và sản phẩm công nghiệp – Vinamac Expo 2024 đã...
Từ bao đời nay, nghề dạy học luôn được xã hội kính trọng, bởi lẽ, các thầy cô không chỉ truyền đạt...
Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế...
Bình luận (0)