Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Robot dẫn người qua đường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm SV Tín, Nghĩa và Tùng bên sản phẩm robot góp phần đảm bảo ATGT
Để giúp người qua đường một cách dễ dàng, an toàn trong tình trạng giao thông ngày càng đông đúc, khó khăn, nhóm sinh viên (SV) của Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã chế tạo ra chú robot có thể đưa người qua đường chỉ bằng một thao tác ấn nút khởi động!
Bắt đầu từ một ý tưởng
“Một lần đến TP.HCM, em tình cờ nhìn thấy các bác xe ôm dẫn khách du lịch qua đường. Trong dòng xe cộ không ngớt ấy, để qua được bên kia đường, các bác xe ôm dù thông thạo địa bàn và bạo dạn vẫn mất tới cả chục phút. Lúc đó em chợt nghĩ, tại sao mình không làm một con robot có thể dẫn người qua đường với các tính năng cảnh báo, xin đường đảm bảo an toàn. Ý tưởng có từ đó!”, bạn Nguyễn Công Tín, SV Khoa Điện – Điện tử bắt đầu câu chuyện về quá trình chế tạo robot dẫn người qua đường của mình.
Sau một năm mày mò sáng tạo, nhóm SV gồm Nguyễn Công Tín, Võ Thành Nghĩa và Hà Kim Tùng đã bắt đầu đưa vào sử dụng sản phẩm robot dẫn người qua đường. Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, sáng tạo, SV Nguyễn Công Tín cho biết: “Thời gian kéo dài suốt một năm đó tụi em nghiên cứu, lựa chọn các linh kiện để làm sao cho robot vừa hoàn chỉnh vừa tiết kiệm nhất giá thành có thể. Có nhiều khi thử lắp đặt linh kiện không phù hợp thì lại phải bỏ, làm lại cái khác. Nhưng nhiều khâu tụi em cũng gặp khó khăn”. Ngồi cạnh Tín, Nghĩa bộc bạch: “Khó khăn nhất mà nhóm em gặp phải trong quá trình chế tạo robot là làm sao để cho con robot định hướng đường thẳng để tiến về phía bên kia đường, sau đó là tự động quay lại khi nhận biết đã sang đến lề đường bên kia. Một điểm khác làm sao hạn chế tối đa nhược điểm bởi nếu mặt đường quá gồ ghề thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của robot”. Theo đó, robot được thiết kế bằng một ma-nơ-canh với chiều cao 1,9m, mặc áo xanh thanh niên tình nguyện để tạo sự thân thiện với người đi đường. Khi phát hiện có người trong khoảng cách 1,5m, robot sẽ tự động phát lời mời: “Tôi là robot đưa người qua đường. Mời bạn ấn nút khởi động, tôi sẽ đưa bạn qua đường!”. Để thuận tiện cho bà con nhân dân và tạo ấn tượng đối với khách nước ngoài, hướng đến thành phố du lịch thân thiện, nhóm SV đã thiết kế lời mời bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Robot có tay phải cầm gậy dẫn đường kết cấu hệ thống đèn báo phát sáng, còi hú hỗ trợ để xin người tham gia giao thông nhường đường, người qua đường chỉ cần nắm tay trái của robot, robot sẽ đưa khách qua đường. Khi qua hết phần đường, robot sẽ nói lời tạm biệt hành khách và quay trở về vị trí xuất phát. Trung bình mỗi lần sang đường, robot sẽ đi mất khoảng thời gian 90 giây. Mỗi ngày, một con robot có thể đưa 50 đến 70 lượt người qua đường thì sẽ tiêu tốn hết nhiên liệu lưu trữ.
Hạn chế TNGT
“Quá trình thiết kế robot, tụi em dự định đặt robot ở những đoạn đường có đông người qua đường như bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại. Đặc biệt, đối tượng robot hướng tới là nhằm phục vụ những người già yếu, người khuyết tật, trẻ em, khách du lịch, khách nước ngoài chưa quen với tình trạng giao thông Việt Nam. Tuy nhiên quá trình thử nghiệm tại một số đoạn đường có đông người qua lại của thành phố Đà Nẵng, vẫn còn vài vấn đề cần cải tiến. Sắp tới tụi em sẽ tiếp tục cải tiến đưa nút bấm khởi động robot vào vị trí tay trái robot thay vì để ở đế robot như trước đây để người khiếm thị muốn qua đường chỉ cần sờ vào tay trái và bấm nút cho thuận tiện hơn”, SV Hà Kim Tùng chia sẻ thêm.
Với chi phí mỗi con robot hoàn chỉnh có giá khoảng 15 triệu đồng, hứa hẹn sáng chế của nhóm SV trên mang lại nhiều lợi ích hỗ trợ cho người qua đường một cách dễ dàng, hạn chế TNGT. “Ước mơ lớn nhất của tụi em bây giờ là làm sao đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế! Vừa rồi tụi em đã phối hợp cùng với Quận đoàn Hải Châu thực hiện thử nghiệm, kiểm nghiệm mức độ thành công và cải tiến những vấn đề chưa đạt để tiến tới xin ý kiến đề nghị đưa vào ứng dụng. Với sáng chế robot này, song song với việc thực hiện Năm văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng, hi vọng thành quả của tụi em sẽ mang lại lợi ích cho mọi người”, Nguyễn Công Tín nói thêm.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Robot được thiết kế bằng cách gắn nhiều cảm biến, trong đó có cảm biến siêu âm có khả năng đọc và xử lý tình huống nhanh. Khi đưa người qua đường, nếu phát hiện thấy xe hoặc vật cản tới gần, robot sẽ chủ động dừng lại chờ xe qua hoặc tăng tốc đi nhanh hơn, hoặc quay bánh lùi lại để tránh xe, tùy tình huống”, SV Nguyễn Công Tín cho biết thêm.
 

Bình luận (0)