Vì đam mê, Tùng dành dụm cả tiền làm thêm để sáng chế robot
|
Vì đam mê, sinh viên Phạm Ngọc Anh Tùng (Khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã dùng tiền dành dụm từ làm thêm để sáng chế robot. Và không chỉ sáng chế “cho vui” hay… để đó, gần đây Tùng đã tính đến chuyện “làm ăn lớn” khi thực hiện thành công Dự án sản xuất robot giáo dục.
Khởi nghiệp từ robot
Để thực hiện dự án, Tùng đầu tư hẳn website riêng là www.robotgiaoduc.com để tiếp thị sản phẩm. Vào website này, mọi người sẽ bắt gặp khá nhiều dòng sản phẩm robot giáo dục nổi bật như: Bi-bot V1 (phiên bản nghiên cứu), bộ thí nghiệm PID phục vụ cho sinh viên và các trường ĐH, CĐ kỹ thuật. Riêng bộ robot kiến (phiên bản nghiên cứu) chủ yếu phục vụ cho các trường vì giá hơi đắt so với túi tiền sinh viên. Bên cạnh đó còn có một số sản phẩm đồ chơi công nghệ cao như robot kiến (phiên bản đồ chơi) dành cho những người yêu thích mô hình; bộ điều khiển thông minh các thiết bị trong gia đình cho các công ty xây dựng; bộ truyền nhận không dây, bộ nguồn dành cho các công ty, khách hàng tự do hay nhà phát triển ứng dụng… Tùng cho biết, mục tiêu quan trọng của dự án là nhằm cung cấp các mô hình robot phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, dự án còn cung cấp sản phẩm, mô hình đồ chơi công nghệ cao. Theo Tùng, hiện đây là lĩnh vực mà thị trường đang có nhu cầu lớn nhưng khả năng cung ứng còn hạn chế. Tại các trường ĐH, CĐ chuyên đào tạo khối ngành kỹ thuật, hằng năm phải nhập những thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy với chi phí đắt đỏ trong khi đó lại kém phong phú về chủng loại, mô hình. Sinh viên thì ít có điều kiện thực hành do tâm lý sợ hư hỏng, phải bảo trì, sửa chữa… Hiểu được điều này (vì bản thân cũng là sinh viên) nên một trong các yếu tố được Tùng đặc biệt chú ý khi sản xuất robot giáo dục chính là giá thành. Hiện, mỗi loại mô hình robot của Tùng có giá từ 500 ngàn đến trên 8 triệu đồng.
“Khó khăn lớn nhất của tôi khi thực hiện dự án chính là kinh phí mua sắm trang thiết bị gia công. Hiện tại, với Dự án sản xuất robot giáo dục tôi vừa tận dụng cơ sở vật chất của trường ĐH, vừa tận dụng cơ sở từ những công ty quen biết… Bên cạnh đó tôi cũng đang mua sắm dần trang thiết bị cho riêng mình” – Tùng chia sẻ. Cũng chính vì còn những khó khăn nên trong thời điểm hiện tại, Tùng mới đủ sức sản xuất tối đa khoảng 100 sản phẩm mỗi chủng loại phục vụ những đơn vị có nhu cầu.
Giấc mơ về robot Việt Nam
Đã từng tham gia Đội tuyển Robocon của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nên việc nghiên cứu, sáng tạo robot trở thành một phần không thể thiếu với Tùng. Thật ra, khi còn học cấp 2, Tùng đã bắt đầu theo dõi những cuộc thi Robocon và ao ước được một lần tham gia thi đấu. Ước mơ chính thức trở thành hiện thực vào năm thứ 2 Tùng khoác áo sinh viên và đây cũng là thời điểm “khởi nghiệp” cho công việc sáng chế robot của bạn. Sản phẩm đầu tay là một mô hình thiết kế đèn led tham gia và đã đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế “Design Led Panel 2008”. Mặc dù sản phẩm này tính kĩ thuật không cao vì lúc đó Tùng mới “vào nghề” nhưng cũng là bước khởi đầu thuận lợi cho bạn. “Có người sinh ra để học toán, có người sinh ra để viết văn… còn với tôi, làm gì cũng phải liên quan đến robot” – Tùng hóm hỉnh nói. Yêu thích khoa học ứng dụng, Tùng quan niệm rằng đích đến của bất cứ đề tài nào cũng phải hướng đến cuộc sống và đây mới là ý nghĩa quan trọng nhất để đánh giá một đề tài nghiên cứu khoa học.
Nhìn Tùng bây giờ, ít ai nghĩ rằng chính bạn cũng đã từng có giai đoạn bị rơi vào trạng thái… khủng hoảng vì không tìm ra được hướng đi, cách thức để thực hiện những mong muốn đang ấp ủ. Cũng chính trong giai đoạn đó, mặc dù là dân kĩ thuật nhưng Tùng quyết định tham gia rất nhiều câu lạc bộ về kinh tế, học khóa ngắn hạn về tư duy kinh tế, làm chủ bản thân và tìm đọc rất nhiều sách. Từ đó đã mở ra hướng đi và thay đổi phần nào nhận thức của bạn về học tập, cuộc sống.
“Điều quan trọng là cần hình dung được mình sẽ như thế nào trong tương lai, từ đó vạch ra những bước đi cụ thể, những việc làm phù hợp nhằm đạt được mục đích. Hiện tại tôi rất yêu thích công việc mình đang làm và dành hết thời gian, tâm huyết vào đó. Những gì mình yêu thích thì dù làm việc ở cường độ cao cũng không thấy khổ, có chăng đó chỉ là thử thách và trong thử thách đó mình lại tìm được những niềm vui, sự trưởng thành” – Tùng tâm niệm. Mơ ước đến năm 2015, Dự án robot giáo dục của mình sẽ có sản phẩm xuất ra thế giới nên hiện nay, bên cạnh việc học Tùng đang ngày đêm cố gắng nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao tính năng của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bên cạnh giải nhất cuộc thi thiết kế “Design Led Panel 2008”, Tùng còn được tham gia chung kết cuộc thi Robocon toàn quốc năm 2010; giải ba cuộc thi Sáng tạo tiết kiệm năng lượng do Bộ Công thương và Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Mới đây, Tùng còn được nhận giải thưởng “Tài năng Lương Văn Can” do CLB Doanh nhân Sài Gòn trao tặng. |
Bình luận (0)