Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Robot giáo viên dạy trẻ mầm non ở Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em tại hàng trăm trường mẫu giáo Trung Quốc có dịp cười khúc khích khi giải câu đố mà trợ giảng mới của chúng, một con robot tròn, nhỏ nhắn với khuôn mặt là màn hình, đưa ra.
Keeko đang đi trên con đường do trẻ lót thảm vuông, ảnh chụp tại một trường mẫu giáo Trung Quốc hôm 30.7 /// Ảnh: AFP
Keeko đang đi trên con đường do trẻ lót thảm vuông, ảnh chụp tại một trường mẫu giáo Trung Quốc hôm 30.7. ẢNH: AFP
Chỉ cao chưa đến 60 cm, robot tự động có tên Keeko vừa đến một số trường mẫu giáo để kể chuyện và ra bài toán đố logic để trẻ em giải. Keeko tròn, màu trắng, thân ống, có thể di chuyển bằng cách lăn trên những chiếc bánh nhỏ. Nó còn có cả cảm biến định hướng đi và camera ở mặt trước, cho phép người dùng ghi lại video.
Ở Trung Quốc, nhiều loại robot đang được phát triển để giao hàng tạp hóa, bầu bạn với người cao tuổi, làm cố vấn pháp lý. Keeko được đội ngũ các nhà phát triển kỳ vọng sẽ đứng vào đội ngũ nhà giáo.
Robot giáo viên dạy trẻ mầm non ở Trung Quốc - ảnh 1
Bà Candy Xiong đang giới thiệu Keeko đến học sinh. ẢNH: AFP
Tại Viện Giáo dục Đa văn hóa Yiswind ngoại ô Bắc Kinh, trẻ em được Keeko giao nhiệm vụ giúp hoàng tử tìm đường thoát khỏi một sa mạc bằng cách dùng nhiều tấm thảm vuông thể hiện đường đi. Đây là một cách để Keeko vừa kể chuyện, vừa giải quyết vấn đề. Khi trẻ trả lời đúng, Keeko phản ứng bằng niềm vui, “khuôn mặt” màn hình hiển thị trái tim nhấp nháy.
“Giáo dục ngày nay không còn là đường một chiều, nơi mà giáo viên chỉ dạy và học sinh chỉ học. Khi trẻ nhìn thấy Keeko tròn, dễ thương thì thích. Vì thế khi nhìn thấy Keeko, trẻ gần như ngay lập tức ùa đến”, giáo viên đào tạo giáo dục mầm non Candy Xiong, người đang làm việc với hãng Keeko Robot Xiamen Technology, cho hay.
Robot giáo viên dạy trẻ mầm non ở Trung Quốc - ảnh 2
Keeko tại Viện Giáo dục Đa văn hóa Yiswind ở Bắc Kinh. ẢNH: AFP
Robot trợ lý giảng dạy đã đến 600 nhà trẻ trên toàn quốc. Nhà sản xuất hy vọng sẽ mở rộng phạm vi ra cả nước và Đông Nam Á. Bắc Kinh đã và đang đầu tư tiền và nhân lực vào việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) theo kế hoạch “Made in China 2025”. Năm ngoái, một hãng Đại lục công bố robot giống người đầu tiên có thể trò chuyện đơn giản và biểu cảm bằng nét mặt.
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, số robot công nghiệp ở Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới với khoảng 340.000 robot tại khắp các nhà máy, tham gia sản xuất và tự động hóa. Thị trường robot dịch vụ, từ thiết bị y tế chuyên dụng cho đến máy hút bụi tự động, được ước tính có giá 1,32 tỉ USD hồi năm ngoái. Thị trường này được dự báo tăng lên 4,9 tỉ USD vào năm 2022.
Robot giáo viên dạy trẻ mầm non ở Trung Quốc - ảnh 3
Trẻ mẫu giáo thích thú tương tác với Keeko. ẢNH: AF
Tuần trước, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Robot Thế giới. Máy móc có thể chẩn đoán bệnh, chơi cầu lông và chơi nhạc khiến người tham quan trầm trồ. Năm ngoái, một nhóm nhà sư Bắc Kinh còn tạo ra robot nhà sư, có thể đọc kinh và giảng giải về lối sống đẹp. Trong khi đó iPal, bạn đồng hành của trẻ em, là loại robot hình người mới nhất được tiếp thị để sử dụng trong gia đình. iPal đi theo hướng giống robot Pepper do hãng Nhật Bản SoftBank cho ra mắt vào năm 2015.
Dù độc đáo, hiệu trưởng Xie Yi của trường mẫu giáo nơi Keeko được thử nghiệm, cho rằng robot cần thời gian dài trước khi có thể hoàn toàn thay thế con người trong lớp học. Bà Xie nói: “Để giảng dạy, bạn phải có khả năng tương tác, có liên hệ con người về ánh mắt, biểu cảm khuôn mặt. Đó là những yếu tố tạo nên giáo dục, chứ không chỉ là nội dung hay ngôn ngữ”.
Bà Xie cho hay robot Keeko, vốn có giá khoảng 100.000 nhân dân tệ, tương đương 1.500 USD, có thể có một số lợi thế so với nhà giáo người thật. 1.500 USD là mức lương trung bình của một giáo viên mẫu giáo Trung Quốc. Khi nói về điểm mạnh của robot, bà Xie cười và cho rằng đó là sự ổn định hơn cả con người.
Thu Thảo/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)