Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Robot “Người hùng đường cống”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhờ robot “Người hùng đường cống” mà sức người được thay thế, kinh phí giảm nhiều, tình trạng ngập nước được cải thiện, hệ thống giao thông được nâng cấp
Chứng kiến cảnh người dân phải khổ sở chống chọi với nước ngập và thợ sửa cống lao động vất vả trong môi trường độc hại, 4 sinh viên (SV) năm cuối Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo robot có thể làm việc thay sức người, giúp hệ thống giao thông được nâng cấp.
Đó là robot “Người hùng đường cống” di chuyển được dưới cống của các bạn Cao Văn Diễn, Trương Quang Trọng, Hồ Minh Chính và Võ Thanh Sơn.
Giảm thời gian, bớt công sức, tiền bạc
Robot “Người hùng đường cống” cao 240mm, rộng 420mm, nặng khoảng 60kg, di chuyển được dưới cống có bán kính 0,6m, trong điều kiện ngập nước, ách tắc, không có ánh sáng. Theo đó, mọi quang cảnh trong cống được robot ghi lại qua camera hồng ngoại, gửi về màn hình trên mặt đất qua hệ thống điều khiển và người điều khiển sẽ nắm bắt, đánh dấu lại các vị trí cống hư hỏng, tắc nghẽn rác để sửa chữa.
Bạn Cao Văn Diễn cho biết: “Thông qua hệ thống camera này, thợ sửa cống không cần trực tiếp chui xuống cống mà chỉ cần ở mặt đất điều khiển robot, nhìn qua camera là xác định được vị trí hỏng hóc, tắc nghẽn rác rồi đánh dấu lại để sửa chữa. Việc can thiệp dễ dàng, hiệu quả, chính xác hơn”. Trước khi bắt tay vào thực hiện, trong vai trò trưởng nhóm, Diễn vạch ra nhiệm vụ một nhóm đi khảo sát thực tế tại hệ thống ống cống trên một số con đường ở Q.Bình Thạnh; Q.Thủ Đức, Q.9 gần nơi các bạn học tập, sinh sống; một nhóm lên công ty chuyên chế tạo các linh kiện lắp ráp tại khu công nghiệp (KCN) tỉnh Tây Ninh để nắm bắt về nguyên vật liệu, kỹ năng lắp ráp.
Qua quá trình tìm hiểu, Diễn cho rằng nhiều ống cống tại TP.HCM đã bị hư hỏng, nhiều đoạn bị nghẽn rác, hệ thống cống trên toàn TP không đều nhau, đoạn to, đoạn nhỏ, đoạn gấp khúc. Chưa kể, yêu cầu hệ thống cống phải có cống thoát nước mưa riêng, nước sinh hoạt riêng nhưng tất cả đều dùng chung. Vì thế, dễ hiểu mỗi lần triều cường lên hay mưa đến, cống không thể thực hiện hết chức năng thoát nước kịp nên bị ngập nước. Giải pháp là chúng ta lại phải huy động đội thợ sửa cống, tốn nhiều sức người, tiền bạc lẫn ách tắc giao thông. Dựa trên những tính chất này, các bạn đã tập trung tìm hiểu nghiên cứu chức năng robot có thể di chuyển linh hoạt dưới nhiều góc độ khác nhau, tránh nhiều chướng ngại vật, hình ảnh ghi lại sắc nét, chính xác, không gặp trục trặc khi gặp nước…
Sau 3 tháng bắt tay vào làm, cuối cùng thì chú robot đầu tay hoàn chỉnh, được đem thử nghiệm tại hệ thống cống trên một số con đường thường xuyên ngập nước tại Q.6 và KCN tỉnh Tây Ninh. Nó đã hoàn thành chức năng của mình khá tốt: Không gặp trục trặc khi gặp nước, di chuyển dưới nhiều góc độ khác nhau, tránh nhiều chướng ngại vật, hình ảnh ghi lại sắc nét, chính xác. Hơn hết nó đã thay thế được sức người.
Từ thực tế đến sản phẩm
Cùng là những SV từ tỉnh lên, học lực đều khá nên Diễn, Trọng, Chính, Sơn tỏ ra hợp tính, chơi thân với nhau. Một điểm chung nữa là cứ mỗi mùa mưa đến, trên con đường về phòng trọ, các bạn luôn phải lội nước, chứng kiến cảnh người dân phải khổ sở chống chọi nước ngập, ách tắc giao thông, và những thợ sửa cống vất vả ngâm mình dưới bùn cống hôi thối, độc hại mà sửa chữa… Vậy là  ý tưởng sáng tạo robot “Người hùng đường cống” ra đời.
Những ngày đầu thực hiện, các bạn gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, kinh phí. Trọng cho biết: “Việc chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm hoàn toàn không dễ. Về mặt kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu robot không hỏng khi gặp nước, ghi lại quang cảnh trong bóng tối chính xác. Về kinh phí, để hoàn thành phải tốn gần 30 triệu đồng, một số linh kiện phải tự gia công, kinh phí cao… Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – Trưởng bộ môn cơ điện tử – về mặt kỹ thuật và công ty chuyên chế tạo các linh kiện lắp ráp robot tại KCN Tây Ninh tài trợ kinh phí, cả nhóm mới có điều kiện vượt qua khó khăn”.
 “Mỗi lần sửa cống cần đến nhiều thợ, người mang vác dụng cụ, người chui xuống cống khảo sát, lấy rác, sửa chữa, người đứng phía trên hỗ trợ… như thế sẽ tốn công sức, thời gian, tiền bạc. Ngược lại, nếu có robot đi cùng thì chỉ cần khoảng 2-3 công nhân, giảm sức người, thời gian, tiền bạc, giảm ách tắc giao thông, đặc biệt công nhân không phải tiếp xúc với rác thải, hôi thối, độc hại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Đây cũng chính là mục đích mà cả nhóm hướng đến. Hy vọng sản phẩm của nhóm có thể áp dụng thực tiễn tốt nhất, góp phần nâng cấp, cải thiện hệ thống cống một cách hiệu quả, nâng cấp hệ thống giao thông”, Diễn chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Robot “Người hùng đường cống” được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đánh giá có tính thực tiễn caoVà đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học để các bạn bảo vệ luận án tốt nghiệp của mình.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)