Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Robot thụ phấn 6 tay hoạt động trong nhà kính

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ có 6 cánh tay, robot Stickbug có thể thụ phấn cho nhiều bông hoa cùng lúc với tốc độ 1,5 lần thụ phấn mỗi phút.
Để giải quyết vấn đề các loài vật thụ phấn đang bị đe dọa, đặc biệt là một số loài ong, bướm đêm, bướm và ruồi, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tây Virginia phát triển mẫu robot thụ phấn mang tên Stickbug, Interesting Engineering hôm 1/5 đưa tin.
Stickbug được thiết kế đặc biệt cho môi trường trong nhà kính. Robot hướng đến khả năng di chuyển dễ dàng giữa những lối đi hẹp bằng cách sử dụng hệ thống truyền động Kiwi. Nó cũng có thiết bị thăm dò và phân loại giúp nhận diện những bông hoa mục tiêu. Nó sẽ tiến hành thụ phấn tiếp xúc bằng cách sử dụng bộ phận tác động cuối (phần cuối ở cánh tay robot) với đầu bọc nỉ.
Robot tập trung vào sự chính xác, linh hoạt và khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên
Robot tập trung vào sự chính xác, linh hoạt và khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên.
Với 6 cánh tay và 6 bộ điều khiển, Stickbug có thể thụ phấn cho nhiều bông hoa cùng lúc và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau một cách độc lập. Robot tập trung vào sự chính xác, linh hoạt và khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên, ví dụ như kho dữ liệu sẵn có công khai về hoa mâm xôi đen.
Trong thử nghiệm thực tế, nguyên mẫu Stickbug được đặt trước một cây mâm xôi đen nhân tạo do khi đó không phải mùa hoa tự nhiên. Robot có nhiệm vụ thụ phấn cho càng nhiều hoa càng tốt trong thời gian 5 phút. Thử nghiệm ban đầu cho thấy, Stickbug có thể thực hiện 1,5 lần thụ phấn mỗi phút với tỷ lệ thành công khoảng 50%.
Nhóm nghiên cứu dự định tiến hành nghiên cứu thêm với những thử nghiệm trên cây thật vào mùa hoa nở. Nếu thành công vượt qua mọi cấp độ thử nghiệm, Stickbug sẽ là giải pháp hứa hẹn để bù đắp cho việc sinh vật thụ phấn tự nhiên suy giảm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)