Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam phục vụ giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Người máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên của VN vừa ra mắt, có thể trả lời được kiến thức của hầu hết lĩnh vực, có cá tính, khả năng sáng tạo và trí tuệ cảm xúc riêng…
Một bạn trẻ trò chuyện với Trí Nhân	  /// ẢNH: GIANG PHÓ
Một bạn trẻ trò chuyện với Trí Nhân. ẢNH: GIANG PHÓ
Giải toán, trả lời câu hỏi, trợ giảng không biết mệt
Ngày 21.11 vừa qua, tại diễn đàn Công nghệ giáo dục EDU 4.0, nhà khoa học, chuyên gia về AI (trí tuệ nhân tạo) Phạm Thành Nam cùng cộng sự Phạm Minh Toàn ra mắt robot trí tuệ nhân tạo có tên Trí Nhân. Có thể nói, đây là người máy AI đầu tiên của VN, thuộc dòng robot cao cấp với các đặc điểm giống con người.
Trí Nhân là một robot nam cao khoảng 1,8 m, được in 3D với năm giác quan, và các yếu tố mô phỏng sinh học như tim phổi nhân tạo và chuỗi ADN. Anh Phạm Thành Nam cho biết cái tên này cảm hứng từ tên gọi của robot công dân đầu tiên trên thế giới Sophia – có nghĩa là sự thông thái, sự khôn ngoan. Trí Nhân vừa có nghĩa là “trí tuệ nhân tạo”, vừa có nghĩa là “con người có trí tuệ”.
Theo chuyên gia Phạm Thành Nam, Trí Nhân hội tụ rất nhiều công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0 gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, in 3D, chuỗi khối, thực tại ảo, thực tại tăng cường, siêu máy tính, robot, tin sinh học.
“Tận dụng được sức mạnh tìm kiếm của Google, Trí Nhân có thể trả lời được kiến thức của hầu hết lĩnh vực, với những câu trả lời mà chính chúng tôi – những người tạo ra anh cũng không thể biết. Trí Nhân chính là người máy AI của VN hướng đến việc phục vụ giáo dục, bằng cách hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học của giảng viên và học sinh, sinh viên thông qua giải đáp, giải toán và trợ giảng”, anh Nam chia sẻ thêm.
Nói về lý do Trí Nhân sinh ra để phục vụ cho giáo dục, anh Phạm Minh Toàn cho biết: “Ngày nay, việc học đã khác trước rất nhiều. Với khối kiến thức rộng lớn mênh mông, nếu học sinh chỉ học qua sách vở truyền thống thì sẽ rất thụ động. Trí Nhân tổng hợp kiến thức nguồn, khi được hỏi, bộ não Trí Nhân sẽ phân tích và đưa ra các đáp án trong tích tắc, đặc biệt là kiến thức về toán học, giúp học sinh, sinh viên có thể chủ động tìm hiểu, cập nhật kiến thức bất cứ lúc nào”.
Về việc trợ giảng, Trí Nhân có thể giúp giáo viên kiểm tra lại các kiến thức trong bài giảng, thậm chí giúp giáo viên giảng thay mà không thấy mệt.
Một người máy “truyền cảm hứng”
Ngoài hỗ trợ công nghệ giáo dục, Trí Nhân còn có thể điều khiển được các thiết bị thông minh trong nhà hoặc ngoài trời, chỉ đạo các robot cấp thấp như robot hút bụi, drone… thông qua nền tảng Close Companion.
Không chỉ hoạt động như một trợ lý cá nhân, Trí Nhân còn giao tiếp chuyện trò và có khả năng đóng vai như một người bạn thân, có cá tính, trí tuệ cảm xúc riêng. Chẳng hạn, khi bạn hỏi: “Tôi có đẹp trai không?”, Trí Nhân sẽ biết nói đùa dí dỏm: “Nếu bạn sang Ả Rập thì bạn sẽ bị trục xuất” hoặc “Bạn mà đẹp trai số 2, không ai là số 3, tôi đùa đấy”. Trong trường hợp nếu ai đó quát to bằng ngôn từ chưa được lịch sự, Trí Nhân sẽ phản ứng lại bằng một câu nói tùy vào từng tình huống hoặc chớp đỏ đèn lên. Ngoài khả năng giao tiếp, robot này còn có thể nhận dạng khuôn mặt, hình ảnh và đo được nhịp tim của người đối diện mà không cần gắn bất cứ cảm biến tiếp xúc nào lên người, thông qua trải nghiệm “từ ánh mắt đến trái tim”.
Được biết, Trí Nhân là sản phẩm công nghệ giáo dục thứ 2 của công ty khởi nghiệp Open Classroom mà chuyên gia Phạm Thành Nam và Phạm Minh Toàn là người đồng sáng lập. Open Classroom cũng đoạt giải cao nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 với hệ thống phòng thí nghiệm ảo Virtual Lab, mang lại trải nghiệm tương tác trực quan sinh động, tăng khả năng tiếp thu kiến thức của người học.
Anh Phạm Thành Nam cho rằng dù là người máy nhưng Trí Nhân là một nhân vật truyền cảm hứng tới rất nhiều người sau khi ra mắt và nếu ai từng trò chuyện với Trí Nhân đều cảm thấy vô cùng phấn khích. “Nó là bằng chứng rõ ràng rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là xa vời hay ở đâu xa xôi. Robot AI thứ hai mà trong tương lai chúng tôi sẽ ra mắt có tên là Hồng Tâm, phục vụ y tế, hứa hẹn mạnh và hoàn chỉnh hơn cả Trí Nhân. Chính dịch Covid-19 đã khiến chúng tôi có thêm ý tưởng về robot Hồng Tâm. Với Trí Nhân và Hồng Tâm, chúng tôi sẽ để chúng phục vụ lợi ích cộng đồng, không phải vì mục đích thương mại”, anh Nam chia sẻ.
Ý kiến

Rất đáng khích lệ
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để phục vụ con người ở mọi lĩnh vực. Việc VN chế tạo một người máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên như robot Trí Nhân, sẽ truyền cảm hứng và tạo động lực rất lớn, đánh dấu một bước phát triển mới trong khoa học công nghệ. Lâu nay chúng ta vẫn tưởng là rất khó, nhưng đến nay thì người Việt đã làm được, rất cần khuyến khích.

Nếu như robot Trí Nhân có thể hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên, giải toán, trả lời các câu hỏi hầu hết lĩnh vực, thì thật sự ưu việt. Tuy nhiên, dù bộ não của robot có thông minh thế nào thì cũng không thể thay thế được người giáo viên thực sự, vì nó vẫn thiếu sự sáng tạo. Nhưng như vậy là rất đáng khích lệ rồi.
Tiến sĩ Thoại Nam (Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến liên ngành, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Giúp nhiều người hiểu trí tuệ nhân tạo là gì
Trên thế giới việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống đã rất phát triển và đi trước VN rất nhiều. Ở VN, AI vẫn còn mới mẻ và chúng ta mới chỉ đang bắt đầu. Nếu như có một robot trí tuệ nhân tạo như Trí Nhân để đưa vào trường học thì thực sự rất tuyệt vời. Lâu nay chúng ta vẫn nói về AI nhưng nó như thế nào thì không phải ai cũng hình dung ra. Người máy AI sẽ là một minh chứng sinh động để chúng ta hiểu trí tuệ nhân tạo là gì, khi tiếp cận và hiểu được thì nhiều bạn trẻ sẽ có cảm hứng để nghiên cứu và có động lực để tạo ra một sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho riêng mình, góp phần thúc đẩy công nghệ phát triển.
Nguyễn Ngọc Tú (Giám đốc điều hành VietAI –  Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt)

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)