Trên blog của mình, Ly tâm sự: “Do số phận đưa đẩy thế nào không hiểu, tôi đã thành les (Lesbian) và chỉ thấy yêu Loan, người bạn gái thân thiết nhất đã học cùng tôi gần hết 3 năm trung học. Bây giờ cô ấy sắp phải đi du học nước ngoài theo sự sắp đặt của gia đình. Còn tôi, con bé thơ ngây ngày nào nay chỉ muốn tìm đến cái chết…”. Thời điểm chia tay đã gần kề, Loan cũng tỏ ý tuyệt vọng vì không thể cưỡng lại quyết định của gia đình.
Vì thế, Ly đánh bạo đến tận nhà Loan nói cho cha mẹ Loan biết mối quan hệ của hai người. Ly còn hứa sẽ “yêu thương Loan đến trọn đời” và đề nghị cho cả hai cùng ra khỏi nhà để không làm phiền đến gia đình, nếu không một trong hai sẽ tìm đến cái chết.
Tùng và Luận cũng công khai tình cảm trước bạn bè ngay trong trường học mà chẳng sợ điều tiếng gì. Nhìn vẻ bề ngoài Tùng ẻo lả như một cô gái, nhuộm tóc nâu, tai đeo khoen, mặc áo đồng phục học sinh nhưng bao giờ cũng điểm vài hạt cườm lóng lánh.
Khi mới bước chân vào trường, Tùng liên tục bắn tín hiệu khắp nơi tìm “đối tác”, Tùng không ngại ngần gì khi tỏ rõ cho mọi người xung quanh biết mình là dân “gay” và Luận đã lọt ngay vào “tầm ngắm” của Tùng. Đôi bạn trai công khai trở thành đôi tình nhân.
Tùng và Luận mọi lúc mọi nơi đều có đôi, có khi ngay trong giờ học, chỉ cần giáo viên quay lên bảng viết bài là ở dưới Tùng ôm Luận hôn thắm thiết. Giờ chơi, “đôi tình nhân” hẹn nhau vào nhà vệ sinh giở đủ trò đồi bại mặc cho nhiều cặp mắt bè bạn dòm ngó. Nhiều lần Tùng và Luận còn rủ nhau trốn học vào công viên tình tứ…
Tưởng chỉ có thế, nào ngờ chỉ sau một học kỳ, trong trường đã rộ lên mấy cặp tình nhân đồng giới. Mỗi cặp thể hiện tình yêu một kiểu nhưng giống nhau điểm chung là yêu liều, sống vội, bất chấp tất cả và hay trình diễn các màn tình cảm ướt át trước mặt mọi người.
Cha mẹ bối rối, bất lực
Cô T., giám thị của trường THPT mà Ly và Loan đang theo học, bức xúc đem chuyện của Ly phản ánh với gia đình. Bà Thủy, mẹ của Ly, khóc trong nỗi tuyệt vọng. Chồng bỏ nhà ra đi từ lâu, do quá bận công việc nên bà Thủy ít có thời gian chăm sóc con, thấy con hiền lành, ít nói, bà đâu ngờ lại xảy ra nông nỗi.
Thời gian đầu Ly còn giấu mẹ, nhưng khi thấy con có nhiều biểu hiện không bình thường nên bà Thủy theo dõi và thấy dấu hiệu khác lạ của Ly ngày càng nặng thêm, nhưng bà Thủy không biết cách nào để đưa con trở lại cuộc sống bình thường được nữa.
Tiếp xúc với chúng tôi, thầy H., giám thị của một trường quốc tế đóng ở quận 11 – TPHCM, lắc đầu: Tình trạng quan hệ đồng tính đang có dấu hiệu lây lan trong trường học. Các em chưa ý thức được tác hại của việc lệch lạc trong giới tính sẽ tổn hại đến bản thân, gia đình và bạn bè như thế nào.
Có nhiều em đang rất bình thường nhưng đi chơi với bạn đồng tính một thời gian rồi cũng có biểu hiện như bạn của mình. Cũng có em cho rằng quan hệ đồng tính đang là mốt, phải như thế mới là dân sành điệu rồi lỡ nhịp không quay lại được nữa. Phần lớn những trường hợp này, theo thầy H., gia đình biết quá muộn nên không trở tay kịp.
Như trường hợp của Tùng và Luận, cha mẹ các em chỉ còn biết buông xuôi, coi như “không có chúng trên đời nữa”. Khi được hỏi các em có dự định gì cho tương lai, hay chí ít là cuộc sống gia đình đang ở trước mặt, Luận bình thản trả lời: Miễn là chúng em yêu nhau và được chung sống với nhau, còn con cái thì mai mốt đi xin con nuôi như những ca sĩ nước ngoài vẫn làm, có sao đâu!
Định hướng lại cho con trẻ
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Công Vinh, đồng tính thường xuất hiện ở 3 dạng: bệnh lý, trào lưu hay quan hệ đồng tính theo thói quen. Ở độ tuổi học sinh, các em thường ham thích cái mới, mong muốn khát khao cái đẹp thu hút người khác giới. Nhưng các em bị ảnh hưởng từ phim ảnh, hoặc một số ca sĩ nam giống nữ, nữ giống nam hay cách hiểu bình đẳng giới coi nam nữ như nhau. Khi gặp phải những trường hợp như thế này, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Thay vì tấn công, nguyền rủa thì cha mẹ hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân vì sao dẫn tới đồng tính của con trẻ. Nếu sinh lý trẻ bình thường thì định hướng lại, nhờ chuyên gia tâm lý giúp đỡ, hướng con trẻ đến những hoạt động bình thường, đều chỉnh lại cách tổ chức gia đình, quan hệ bạn bè để trẻ từ từ trở lại cuộc sống bình thường… |
Theo Ngọc Mai / Người Lao Động
Bình luận (0)