Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Rối cả đầu vào lẫn đầu ra

Tạp Chí Giáo Dục

Dù có nhiều ưu đãi trong quá trình học tập, song nguồn tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm vẫn giảm sút nghiêm trọng. Vậy mà hàng loạt cử nhân ngành này ra trường lại không tìm được việc làm. Sự phát triển các trường sư phạm đã không được định hướng qui hoạch tổng thể, xuất phát từ nhu cầu nhân lực giáo dục… Đó là thực trạng được chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường Sư phạm vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức.

Dù có nhiều ưu đãi, song nguồn tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm vẫn giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Hả
Điểm tuyển giảm
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước đang thiếu hơn 50.000 giáo viên tiểu học nếu dạy 2 buổi/ngày. Ở cấp THPT, so với qui định, vẫn còn thiếu hơn 8.000 giáo viên. Nhiều năm qua dù sinh viên theo học ngành này được miễn học phí, song hầu như học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm. Thế nên, nhìn vào điểm chuẩn khối sư phạm năm nay, không ít người thở dài vì quá thấp. Điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là 18,5 điểm (Giáo dục tiểu học) và cũng chỉ có 3 ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn. ĐH Sư phạm Hà Nội ngoài khoa Toán và Văn có điểm chuẩn cao, còn các ngành khác khá… thấp. Đáng lý ra, sư phạm phải là ngành có điểm trúng tuyển cao vì đào tạo ra đội ngũ giáo viên kế cận.
 Một thực tế đáng buồn nữa, nhiều sinh viên vào học sư phạm vì không trúng tuyển trường khác. Chính vì thế, dù sẽ trở thành thầy, cô giáo trong tương lai nhưng họ vẫn nói ngọng, viết sai những lỗi chính tả sơ đẳng, thậm chí không viết được một câu văn cho hoàn chỉnh dẫn tới sự xuống cấp chất lượng giáo viên. Thực trạng này khiến nhiều chủ trương, dự án cải cách, đổi mới trong ngành giáo dục không thực hiện được hoặc hiệu quả không cao.
Thiếu qui hoạch"đầu ra"
PGS. TS Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang phân tích: Nguyên nhân khiến các trường sư phạm ít thí sinh là do đội ngũ giáo viên bão hòa, sinh viên ra trường không có chỗ dạy, cộng với lương thấp. Trong khi các ngành kinh tế ra trường có thu nhập khá hơn nên đương nhiên là lựa chọn của nhiều thí sinh. Một khó khăn nữa của các trường sư phạm là không có thống kê nào dự báo hay qui hoạch nhu cầu nhân lực trong vòng 5 năm tới. Đến các Sở GD&ĐT – đơn vị tiếp nhận giáo viên cũng không nắm được 4 hay 5 năm nữa sẽ thiếu, thừa bao nhiêu giáo viên.
GS Tôn Thất Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm Huế thẳng thắn: "Đào tạo cần theo nhu cầu xã hội nhưng ngành sư phạm lại chưa có điều tra về nhu cầu xã hội. Bộ cần có một nghiên cứu về vấn đề này, đưa ra những con số cụ thể để các trường chủ động lên kế hoạch tuyển sinh".
Chỗ thực tập cho sinh viên cũng là một vấn đề bức xúc. Thực tế cho thấy, trường thực tập chính là giảng đường thứ 2 bổ sung cho giảng đường trường sư phạm. Nhưng cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chỉ có duy nhất ĐH Sư phạm Hà Nội có trường thực tập riêng là THPT Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn cơ sở vật chất, mục tiêu đào tạo giáo viên đã thay đổi trong khi phương pháp và chương trình đào tạo cũ… Với quá nhiều "ẩn số" nên bài toán của các trường sư phạm vẫn chưa được giải đáp ổn thỏa.
Để giải quyết những khó khăn của ngành sư phạm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT dựa trên Qui hoạch phát triển nhân lực của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cùng với nhu cầu địa phương mà có qui hoạch phát triển nhân lực cho ngành sư phạm, làm cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Bên cạnh đó, cần hình thành các trường phổ thông vệ tinh của các trường sư phạm để có sự liên kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục phổ thông.

Theo Minh Hiền
(KTĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)