Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Rối loạn đời sống dân sinh vì giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi khởi công xây cầu vượt, đoạn đường Nguyễn Kiệm (chỉ dài hơn 1km) từ ngã 6 Gò Vấp đến vòng xoay Phạm Văn Đồng trở nên ùn tắc nghiêm trọng, khiến người lưu thông vật vã, hàng quán ế ẩm, thậm chí có nhiều trường hợp phải đi học, đi làm từ lúc 5g30 sáng để tránh ùn tắc.

Đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp kẹt xe như nêm không chỉ người dân lưu thông rất khó khăn mà mọi sinh hoạt thường nhật khác cũng khốn đốn. (Ảnh chụp vào sáng 31-10-2017)

Buôn bán ế ẩm, giá dịch vụ tăng

Theo phản ánh của người dân nơi đây, từ khi làm cầu vượt đến nay, đoạn đường Nguyễn Kiệm đoạn từ ngã 6 Gò Vấp đến vòng xoay Phạm Văn Đồng lâm vào tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng vào các ngày trong tuần. Cứ như được “sắp lịch”, mỗi ngày khu vực này kẹt xe đến “3 ca”, từ sau 6 giờ sáng đến khoảng 11 giờ trưa, từ 14 giờ đến 16 giờ chiều, từ 18 giờ đến hơn 20 giờ đêm, thậm chí có ngày ùn tắc đến tận 22 giờ mới kết thúc. Tình trạng này khiến cho việc buôn bán của các hộ dân sinh sống ở hai bên đường và tiểu thương chợ Tân Sơn Nhất rơi vào cảnh ế ẩm, thu nhập giảm sút. Tận mắt chứng kiến cảnh ùn tắc như nêm vào sáng ngày 31-10, chúng tôi thấy rằng các cửa hàng ăn hầu như đều không có khách, trong khi dưới lòng đường và hai bên lề đều chật kín xe cộ, xe tô ô và xe máy chen chúc loạn xạ. Không khí càng trở nên ngột ngạt vì tiếng còi xe inh ỏi, xen lẫn tiếng cằn nhằn, chửi bới của một vài người lỡ va quẹt vào nhau trong lúc tìm cách nhường đường cho chiếc xe cứu thương của Bệnh viện quân y 121 đang hú còi “xin đường” như… vô vọng. 

Trong cảnh bức bối của ùn tắc, cũng như bao tiệm ăn khác, tiệm phở Nam Việt (đối diện bệnh viện quân y 175) của ông Lưu Ngọc Huy vào lúc 7g30 không một bóng người, khác với mọi khi, khoảng thời gian từ 7 đến 9 giờ là lúc tiệm luôn đông kín khách đến ăn sáng. Ông Huy cho biết, trước đây, mỗi buổi sáng ông bán được khoảng 100 tô phở và khoảng 200 tô trong một ngày, nhưng từ khi xảy ra ùn tắc do phục vụ thi công cầu vượt, thì số lượng bán được giảm đi hơn một nửa so với trước. Việc ùn tắc khiến cho người qua đường không dám ghé quán, kể cả những khách quen cũng “không dám đi đường này nữa”. Theo ông Huy, tình trạng bán buôn vắng khách, thu nhập giảm mạnh khiến các hộ dân than trời, vì giá thuê mặt bằng cao, hợp đồng theo năm nên dù quá ế ẩm cũng phải đeo bám do không thể trả mặt bằng giữa chừng.

Cùng chung cảnh ế ẩm như các hộ kinh doanh ở mặt đường, các tiểu thương trong chợ Tân Sơn Nhất cũng đang mệt mỏi vì chợ vắng khách. Bà Thông, một chủ cửa hàng bán thịt heo than thở: “Nếu cứ kẹt xe, ùn tắc liên miên thế này thì chắc là phải dẹp tiệm hết thôi. Chợ tuy họp cả ngày, nhưng bây giờ người bán nhiều hơn người mua, thì làm sao tiểu thương trụ nổi”.

Bên cạnh tình trạng bán buôn chậm hơn trước, thì ùn tắc còn khiến các loại giá cả dịch vụ, trong đó các loại phương tiện như xe taxi, xe ôm cũng tăng giá theo. Trước đây, ông Huy mỗi ngày chỉ tốn khoảng 35.000 đồng thuê xe ôm đưa con đi học ở phường 14, nhưng nay giá đã tăng lên 60.000 đồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Công trước đây thường giao hoa từ chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10) qua Gò Vấp với giá 70.000 đồng/lượt, nhưng do yêu cầu của khách phải giao hoa vào giờ cao điểm nên ông đã tăng giá lên gấp đôi. Tuy nhiên, sau một lần bị “chìm trong biển người” hơn một giờ đồng hồ đã khiến ông không dám qua đó lần nào nữa, “vì cho dù có lấy giá cao mà vướng vào kẹt xe hàng giờ thì số chuyến đi trong ngày và thu nhập cũng bị giảm theo”.

Đi làm, đi học từ 5g30 sáng

Đó là tình cảnh chung và cũng là sự chủ động của một số hộ ở khu vực ùn tắc trên đường Nguyễn Kiệm kể từ khi thi công cầu vượt tới nay. Ông Huy cho biết, con trai anh là Lưu Ngọc Việt, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (237/65 Phạm Văn Chiêu, phường 14, Gò Vấp) ngày nào cũng phải thức dậy lúc 5 giờ sáng và rời khỏi nhà vào lúc 5g30 để đến trường học. Tất nhiên, em luôn là người đến trường sớm nhất, nhưng điều khiến vợ chồng ông Huy lo lắng là con trai anh ngày nào cũng ngủ gật trên đường đến trường. Tương tự, đứa con trai lớn là Lưu Ngọc Nam (Sinh viên năm I Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) cũng phải rời nhà trước 6 giờ nhằm tránh kẹt xe, trễ học.

Việc đến trường từ sớm tinh mơ do trường ở xa đã đành, những người có con theo học ở các trường trong khu vực phường 3 cũng phải cho con rời khỏi nhà sớm để đến trường trước 6 giờ sáng. Một phụ huynh có con theo học ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn (90 Đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, Gò Vấp) cho hay: “Vì nhà ở gần khu vực đang thi công nên trước 6 giờ đã phải cho con đến lớp, biết là đến trường giờ này thì quá sớm nhưng chỉ còn cách đó mới có thể thoát khỏi vòng vây của ùn tắc”.

Cũng với phương án đi học, đi làm sớm như bao người, chị Huỳnh Thị Dạ Thảo (ngụ hẻm 842, phường 3, Gò Vấp) cho biết, kể từ khi kẹt xe xảy ra thường xuyên, cả gia đình chị phải lục đục thức giấc từ 4 giờ 45 phút để chuẩn bị cho “kịp giờ ra khỏi nhà” vào lúc 5 giờ 50 phút. Theo chị Thảo, do thức quá sớm nên hai đứa con tuổi mầm non và tiểu học hay khóc lóc rất mệt mỏi. Chưa kể, cả nhà chị “sau khi tránh được kẹt xe thì phải tìm quán ngồi, vừa ăn sáng vừa chờ đến giờ để đưa con tới trường. Ban đầu thấy cũng vất vả quá, nhưng thà đi sớm thì con không bị trễ học, mà bố mẹ cũng không bị cấp trên khiển trách vì lỗi đi làm trễ như những ngày đầu mới xảy ra ùn tắc chưa có kinh nghiệm”.

Theo nhận xét của một cán bộ hưu trí, sở dĩ đường Nguyễn Kiệm ùn tắc nghiêm trọng trong những ngày vừa qua là do tuyến đường này là đường độc đạo, chỉ toàn hẻm cụt, không có hẻm thông thương nên người dân không tìm được hướng đi thay thế. Tình trạng kẹt xe nhiều lần trong ngày do đây là “cửa ngõ” chính để người dân và các phương tiện lưu thông qua các quận trung tâm, ra sân bay, đi Thủ Đức, Đồng Nai… Do đó, ùn tắc trong những ngày qua không chỉ gây khó khăn cho những người lưu thông qua đây, mà người dân sinh sống trên tuyến đường này cũng rất vất vả về việc đi lại, học hành, kinh doanh, ngay cả việc rao bán nhà, hoặc cho thuê nhà cũng trở nên khó khăn “vì nghe thấy đường Nguyễn Kiệm là người ta đã thấy khiếp”. Theo người cán bộ này: “Người dân đã rất khổ sở với tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trong những ngày qua, thì lực lượng chức năng nên tính toán phương án làm sao cho giảm bớt, phải cử CSGT trực tiếp phân luồng và điều khiển mật độ giao thông mỗi ngày một cách thường xuyên, nhất là vào những khung giờ hay xảy ra ùn tắc. Chắc chắn khi có sự điều tiết giao thông, thì tình trạng ô tô, xe máy chen lấn mất trật tự sẽ được cải thiện. Nhờ đó mà người lưu thông cũng bớt khốn khổ trong những ngày chờ thi công cầu vượt hoàn thành”.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)