Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rối loạn mỡ trong máu

Tạp Chí Giáo Dục

Thuốc lá là yếu tố góp phần làm thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại
Rối loạn mỡ trong máu hay còn gọi là tăng mỡ trong máu hay tăng cholesterol máu là bệnh khá phổ biến hiện nay. Bệnh là mối lo ngại của nhiều người có tình trạng cân nặng dư thừa nhưng thực tế nhiều người gầy vẫn bị rối loạn mỡ trong máu. Rối loạn mỡ trong máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như xơ mỡ động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp…
Không ăn mỡ, trứng vẫn mắc bệnh
Rối loạn mỡ trong máu là bệnh lý có tăng thành phần mỡ gây hại và hoặc giảm thành phần mỡ bảo vệ cho cơ thể. Mỡ trong máu hiện diện dưới 2 dạng chính là cholesterol và triglycerid. Cholesterol không phải là chất hoàn toàn gây hại cho cơ thể. Cholesterol là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh và của nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Gan còn dùng cholesterol để sản xuất ra acid mật giúp tiêu hóa thức ăn.
Nên chọn thức ăn ít dầu mỡ và cholesterol để hạn chế tình trạng rối loạn mỡ trong máu. Ảnh: C.T.V
Cholesterol có nguồn gốc từ thức ăn hằng ngày trong thịt, mỡ, trứng… chiếm 20% nhu cầu cholesterol trong cơ thể và do gan tạo ra chiếm đến 80%. Gan có khả năng tổng hợp cholesterol từ những chất khác như đường, đạm. Điều này lý giải tại sao nhiều người không ăn mỡ, trứng như những người ăn chay trường lâu năm hoặc những người gầy vẫn bị rối loạn mỡ trong máu.
Cholesterol gây hại khi chúng thấm vào thành mạch máu hình  thành mảng xơ mỡ động mạch. Còn cholesterol có lợi khi chúng chống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ trong thành mạch máu trở về gan. Cho nên nói tăng cholesterol hay tăng mỡ trong máu là không chính xác mà phải gọi là rối loạn mỡ trong máu vì đôi khi không có tăng thành phần gây hại nhưng có giảm thành phần bảo vệ thì vẫn gọi là rối loạn mỡ trong máu.
Thay đổi lối sống
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, giải quyết được rối loạn mỡ trong máu là cần thiết để hạn chế tai biến mạch vành tim, mạch máu não và giảm tỉ lệ tử vong do biến chứng mạch máu.
Lưu ý khi dùng thuốc
Sau khi áp dụng chế độ điều trị không dùng thuốc trong 3 đến 6 tháng mà vẫn không cải thiện được tình trạng rối loạn mỡ trong máu đặc biệt là cholesterol có hại còn cao thì bác sĩ sẽ cho dùng thêm thuốc hạ mỡ trong máu. Thuốc phải được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ, vì thuốc ngoài tác dụng hạ mỡ trong máu còn gây nhiều tác dụng phụ khác.
Điều trị không dùng thuốc có tác dụng như phòng ngừa rối loạn mỡ trong máu, nếu thực hiện tốt có thể giảm được 15% – 20% cholesterol toàn phần. Nên ngừng hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu, thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục thể thao. Trong đó, ngừng hút thuốc lá là việc làm cần thiết quan trọng với bệnh nhân rối loạn mỡ trong máu. Thuốc lá là yếu tố góp phần làm thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại.
Nếu bị béo phì hay dư cân nặng cần thiết phải giảm cân. Nên giới hạn ăn tất cả các loại chất béo. Nếu không kiêng được tuyệt đối thì đừng ăn quá 1/3 mỡ bão hòa trong nhu cầu chất béo hằng ngày. Tránh ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như sữa toàn phần, kem, trứng, phủ tạng động vật như gan, lưỡi, thận…
Ngoài việc kiêng cữ trong ăn uống thì việc tập thể dục thể thao sẽ góp phần tăng tác dụng của việc kiêng ăn. Tập thể dục thể thao nhịp nhàng dưới các hình thức đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp… ở mức độ không gắng sức là phù hợp. Tập đủ thời gian và thường xuyên, mỗi lần tập cố gắng đủ 30-45 phút và ít nhất tập thường xuyên 4 lần trong một tuần. Nếu bị béo phì, dư cân nặng và không tập thể dục nhiều năm thì nên quyết tâm tập luyện, lúc đầu tập ít sau tăng dần cố gắng tập đều đặn.
Lúc đầu có thể thấy mệt, buồn ngủ vào buổi sáng sau khi tập nhưng sẽ quen dần và thấy khỏe hơn. Duy trì và phát triển vận động, cố gắng xây dựng thời khóa biểu tập thể dục thể thao. Nên xem đó như là một thú vui. Nên tham gia chương trình tập thể dục thể thao theo nhóm.
Thạc sĩ – bác sĩ Phan Hữu Phước
(giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM)
Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)