Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rối loạn “ngày đèn đỏ”

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân tuyệt đối không nên tự mua thuốc chữa trị, vì nếu điều trị không đúng thì bệnh sẽ nặng thêm.
Rối loạn kinh nguyệt là những triệu chứng biểu hiện của nhiều loại bệnh. Rối loạn kinh nguyệt thường gặp là rong kinh, rong huyết. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với những nguyên nhân khác nhau.
Siêu âm có thể phát hiện những bất thường gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Ảnh: N.PHƯƠNG
Lạm dụng thuốc tránh thai dễ gây rối loạn
Ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh thường không đều, khi dài, khi ngắn hoặc vô kinh hoặc rong kinh. Khi kinh kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh. Còn rong huyết là sự ra huyết âm đạo bất thường mà không liên quan đến chu kỳ kinh. Nguyên nhân là do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, biểu hiện rối loạn kinh nguyệt tương tự như trên do vòng kinh cũng không có rụng trứng.
Còn ở lứa tuổi sinh đẻ, rong kinh, rong huyết có thể do u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung… Đây là những bệnh lý có thể xảy ra cả ở lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh. Nguyên nhân tâm lý là stress, căng thẳng.
Họ có thể bị vô kinh nhiều tháng hoặc có kinh kéo dài. Việc sử dụng thuốc nội tiết không đúng cách cũng gây rối loạn “ngày đèn đỏ” như những thuốc nội tiết thường dùng là thuốc tránh thai, nhất là loại thuốc tránh thai sau giao hợp.
Nếu lạm dụng thuốc này thì dễ bị ra huyết bất thường sau khi uống thuốc và kinh nguyệt sẽ không có chu kỳ rõ ràng. Thêm vào đó, ngừa thai bằng dụng cụ tử cung, thuốc nội tiết thay thế dành cho lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, viêm nhiễm sinh dục cũng có thể dẫn đến tình trạng ra huyết âm đạo bất thường.
Nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị
Khám phụ khoa định kỳ
Có những bệnh gây rối loạn kinh nguyệt mà phụ nữ có thể phòng ngừa được bằng cách vệ sinh đúng cách để tránh viêm nhiễm sinh dục. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ như vô sinh, thai ngoài tử cung, viêm phần phụ mạn tính, viêm vùng chậu… Phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 lần/năm để được phát hiện sớm một số bệnh phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, chữa trị sớm những bệnh nhiễm khuẩn sinh dục.

Trong lứa tuổi dậy thì, trẻ gái thường vô kinh nhiều tháng, sau đó có kinh lại thì kinh kéo dài. Trường hợp bị rong kinh, mỗi ngày người bệnh thấy có xuất huyết âm đạo không nhiều, có khi không ướt hết một băng vệ sinh nhỏ mà chỉ là một chút máu đen.

Nhưng nếu ra huyết kéo dài nhiều tháng thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, đôi khi phải truyền máu. Thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ gái, ảnh hưởng đến sự học hành đồng thời sẽ có triệu chứng suy nhược cơ thể kèm theo. Đối với người trong lứa tuổi sinh đẻ mà vòng kinh không rụng trứng thường dễ bị hiếm muộn.
Khi có bất kỳ biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ nên đi khám phụ khoa ngay để được chẩn đoán bệnh và điều trị. Siêu âm là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán dễ dàng, nhanh chóng, ít xâm lấn, rẻ tiền mà độ chính xác khá cao. Tuy nhiên, không phải loại bệnh nào cũng có thể dùng siêu âm để định bệnh, chẳng hạn những bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết.
Những bệnh này thì phải làm xét nghiệm máu mới tìm được nguyên nhân bệnh. Để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung, bệnh nhân phải được nạo lòng tử cung để làm xét nghiệm mô học. Đối với bệnh viêm sinh dục, cần có xét nghiệm cấy vi khuẩn để định danh.
Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, cần phải làm phết tế bào cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung… Có rất nhiều phương pháp từ đơn giản, rẻ tiền như soi cổ tử cung đến phức tạp, đắt tiền như cộng hưởng từ, chụp cắt lớp (CT), nội soi… để tìm nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt.
Bệnh nhân tuyệt đối không nên  tự mua thuốc chữa trị, nhất là đối với những loại thuốc nội tiết. Đây là những loại thuốc nhất thiết phải được bác sĩ tham vấn cách sử dụng và theo dõi khi sử dụng thuốc vì có những chống chỉ định đối với loại thuốc này. Người bệnh cũng không nên tự ý ngưng điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Theo PGS-TS Vũ Thị Nhung / Người Lao Động
(BV Hùng Vương TPHCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)