Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rối loạn tiền đình ảnh hưởng lớn đến cuộc sống

Tạp Chí Giáo Dục

Chóng mặt là một trong các triệu chứng của RLTĐ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: K.N

Một người đang bình thường bỗng dưng thấy nhà cửa, đồ vật quanh mình quay vòng hoặc cảm giác bản thân bồng bềnh, nghiêng ngả, có thể mất thăng bằng nhưng bao giờ cũng tỉnh táo. Đó chính là do chóng mặt, một trong các triệu chứng của rối loạn tiền đình (RLTĐ).

Hội chứng RLTĐ bao gồm các triệu chứng chóng mặt, ù tai, kém nghe, kèm theo buồn nôn và nôn, hoa mắt…
Có nhiều nguyên nhân
Hiện nay, số người mắc hội chứng RLTĐ đang có chiều hướng ngày một gia tăng. TS- BS Nguyễn Hoài Nam (BV ĐH Y dược TP.HCM) cho biết: “Có khá nhiều nguyên nhân gây RLTĐ, do môi trường, thời tiết chuyển mùa, nhiễm độc do hóa chất, thuốc, ăn uống hoặc tuần hoàn kém và các vấn đề thần kinh, tâm lý… Các triệu chứng ban đầu có thể làm mất ngủ, người mệt mỏi. Thường về đêm và sáng, người bệnh thức giấc mở mắt ra nhìn mọi vật xung quanh thì có cảm giác không bình thường, ngồi dậy khó khăn. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu bệnh nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh. Mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả. Bệnh có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng mất thăng bằng, mắt mờ nhòe, chân tay tê, run rẩy, mệt mỏi một thời gian làm ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, lao động và học tập của mỗi người”.
Kết hợp giữa thuốc và tập thể dục
Muốn điều trị, trước tiên phải khám và chẩn đoán tình trạng của bệnh để định ra phương pháp và thuốc điều trị đúng. BS. Nguyễn Minh Tuấn (chuyên khoa thần kinh, Phòng khám Minh Tuấn TP.HCM) cho hay: “Nếu bệnh nhẹ, nên để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa. Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải, orezol là dung dịch được lựa chọn. Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Trường hợp cấp tính, bệnh nhân phải dùng các thuốc nhóm kháng histamin vừa bớt chóng mặt vừa làm giảm triệu chứng nôn, buồn nôn. Tác dụng phụ của nhóm này là có thể gây ngủ nhẹ nên không dùng trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Các thuốc thường dùng là promethazin 25mg, scopolamin 0,5mg; diphenhydramin 50mg; sử dụng thuốc acetylleucin (1.000-1.500mg/ngày) có cả dạng viên và tiêm tĩnh mạch, dạng tiêm tĩnh mạch nên tiêm chậm vì nếu tiêm nhanh có thể gây hồi hộp, trống ngực, mạch nhanh…”.
 Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp giải quyết tức thời chứng RLTĐ. Cũng theo BS. Minh Tuấn thì về lâu dài, bệnh nhân cần chủ động phòng ngừa bằng cách luyện tập thường xuyên các động tác tập đầu và cổ; Xoa mặt, mắt, tay, cụ thể là bàn tay siết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để tác động vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt khoảng 10 lần; Tập thể dục như bình thường nhưng phải làm được ba động tác cơ bản là chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8-10 phút, đứng hơi dang hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ 10 lần. Luyện tập như vậy một cách đều đặn lúc sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ cùng với dùng thuốc sẽ cải thiện rõ rệt các đợt chóng mặt cấp.
Nhật Nam

Bình luận (0)