Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Hạn chế rối loạn tiêu hóa ở trẻ bằng các loại sữa và thực phẩm hợp vệ sinh
Ngoài hiện tượng nôn ói, trẻ thường mắc chứng đi cầu không tự kiểm soát được do tiêu chảy hay cả táo bón… Đây là những bệnh lý tiêu biểu về rối loạn tiêu hóa ở trẻ mà các bà mẹ nuôi con thường gặp.
Rối loạn tiêu hóa đối với trẻ nhỏ cần được theo dõi và chăm sóc kỹ vì có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cơ thể trong giai đoạn đầu của bé.
Những triệu chứng bất thường
Không ít bà mẹ thật sự lo lắng khi con của mình mỗi lần đi tiêu phân lỏng như nước. Nếu có hiện tượng trên liên tục 3, 4 lần trong một ngày là trẻ đã bị tiêu chảy mà nguyên nhân là do ăn nhầm thức ăn lạ hay ôi thiu. Chị Hiếu, ở đường Hồ Bá Phấn, P.Phước Long A, quận 9, TP.HCM kể: “Hôm đó tôi đưa cháu sang nhà chị họ ở quận Thủ Đức chơi và được mời ăn bánh canh cá. Hai vợ chồng không sao nhưng chiều hôm đó bé Bẹp bị đau bụng và tiêu chảy liên tục mấy lần. Tôi biết là cháu đã bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm trùng đường ruột”.
Ngược lại với con chị Hiếu, Bi – đứa cháu 4 tuổi của bà Hạnh – gần đây thường đi cầu rất khó khăn. Khám tại Bệnh viện Gò Vấp, bé được chẩn đoán là bị táo bón và được BS cho thuốc uống để chỉ định điều trị. Bà Hạnh thật sự bất ngờ khi BS cho biết do thức ăn quá nhiều chất đạm và mỡ, thiếu chất khoáng cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
Một triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường thấy nhất là trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản mà như các bà mẹ thường than là: “Con tôi ăn vào bao nhiêu là ói ra bấy nhiêu”. Đây là hiện tượng những chất nằm trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Khác với người lớn, thực quản của trẻ rất ngắn phần dưới lại hơi mở rộng và đặc biệt là lớp cơ chưa phát triển hoàn chỉnh, nên còn yếu ớt khó giữ các loại thức ăn dù đã nằm trong bao tử. Ngoài ra, trẻ dễ bị nôn thức ăn là còn lý do cơ tâm vị co thắt không bình thường. 
Để can thiệp kịp thời
BS. Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết, rối loạn tiêu hóa là những hiện tượng bất thường về chức năng của dạ dày trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Đối với trẻ em, khi có những rối loạn về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể. Theo BS. Hậu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa trẻ như do chế độ ăn uống, dùng thuốc và cả bệnh lý của cơ thể. Trường hợp táo bón như cháu Bi nếu lâu ngày có thể đi cầu ra máu và đau buốt khi vệ sinh. Nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm ruột có khi dẫn đến lủng ruột do táo bón kinh niên gây ra. Trẻ ăn vào lại ói ra thì sẽ không hấp thu đủ thức ăn dẫn đến thiếu chất và suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, BS. Hậu cũng khẳng định, các bà mẹ nên yên tâm đối với những đứa con thỉnh thoảng bị nôn, nhưng vẫn ăn được ngủ được và lên ký. Thực tế cho thấy khi trẻ vào học mẫu giáo thì sẽ tự hết. Riêng về tiêu chảy, BS. Hậu cho biết, nếu để kéo dài rất nguy hiểm vì trẻ sẽ bị thiếu nước, mất điện giải trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được bù điện giải bù nước kịp thời. Vì thế ngoài việc cho cháu uống nước, chị Hiếu còn cho đứa con gái 3 tuổi của mình uống liên tục một bịch Oresol pha loãng để khắc phục tình trạng mất nước. Cũng không nên tự điều trị tại nhà khi tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ nhỏ kéo dài. Cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy diễn tiến bệnh nguy kịch và kéo dài.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh
BS. Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra lời khuyên thiết thực là các bà mẹ chú ý hơn các loại thức ăn cho trẻ nhỏ phải đảm bảo vệ sinh, không ăn những thức ăn lạ có chứa độc tố như các loại cà pháo mà ngay người lớn cũng bị rối loạn tiêu hóa. Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn không chỉ là khẩu hiệu mà là yêu cầu thực tế bắt buộc các ông bố bà mẹ phải hành động cụ thể. Có như vậy, mới ngăn ngừa được tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Bên cạnh đó, phải thường xuyên bồi dưỡng trẻ bằng thức ăn dặm hay các loại sữa để cơ thể chóng phục hồi, tăng cường sức đề kháng bệnh tật và không bị thiếu chất dinh dưỡng sau khi khỏi bệnh.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)