Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Rối như canh hẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Hẹ còn được gọi là cửu thái, khởi dương thảo… tên khoa học là Allium ramosum (hẹ hoang ) hay Allium tuberosum (hẹ trồng), thuộc họ hành (Alliaceae).
Hẹ là món ăn – bài thuốc có tác dụng tốt vào mùa xuân, bởi vị thuốc có từ hẹ cao hơn vào thời điểm này. Sách Nội kinh viết: "Xuân hạ dưỡng dương" (mùa xuân ăn món bổ dương khí), hẹ nằm trong nhóm thức ăn đó. Sách Bản thảo thập di viết: "Rau hẹ tính ấm, có ích cho người, nên ăn thường xuyên".
Trong Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh có nhiều bài thuốc dùng hẹ. Các y văn cổ cũng chép lại nhiều trường hợp các ngự y đã dùng nước hẹ trị hết bệnh nấc cục cho vua chúa. Dẫn chứng để thấy rằng, hẹ đã xuất hiện từ lâu và có vị trí rất quan trọng trong đời sống của con người.Cây hẹ dễ trồng và ít phải chăm sóc, gieo một lần có thể thu hoạch nhiều lần, cây phát triển xanh tốt quanh năm, vừa cho lá để ăn vừa có thể dùng làm thuốc.


Món canh hẹ.

Hẹ có vị cay nhẹ, tính ấm; có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Trong lá hẹ có đạm, đường, vitamin A và C, canxi, phốt pho, protid, glucid và calo năng lượng.
Chất xơ trong lá hẹ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin là một kháng sinh mạnh chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.

Dân gian dùng hẹ để chữa nhiều bệnh thông thường như ho khò khè ở trẻ em, thì dùng lá hẹ cắt nhỏ cho vào chén, chưng cách thủy, lấy nước cho trẻ uống; nếu như bị cảm mạo, ho do lạnh, thì dùng hẹ và gừng tươi, hấp chín với ít đường, ăn cái và uống nước; nếu đau răng, lấy hẹ còn rễ đâm nhuyễn, đặt vào chỗ đau, liên tục cho đến khi hết; để trị tiểu nhiều, dùng lá hẹ, dây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử, các thứ đều có lượng bằng nhau, đem phơi khô tán bột, uống ngày 2 lần với nước ấm…

Hẹ là loại rau được dùng nhiều trong các món ăn hàng ngày của nhân dân, nhất là các món ăn sáng hay dùng giá, hẹ. Trong các thứ rau sống ăn với mắm kho thì lá và bông hẹ đóng vai trò quan trọng cho sự “khoái khẩu”.
Các món bông hẹ xào với giá đậu xanh, tôm, thịt bò hoặc gan heo là những món mà người dân rất ưa chuộng. Món canh lá hẹ nấu với tàu hũ, huyết và gan heo là sự kết hợp độc đáo, là món canh rẻ tiền nhưng có giá trị dinh dưỡng cao.
Ngoài ra, có một loại hẹ hoang dã dân gian gọi là hẹ nước. Đó là loài rau trầm thủy hoang dại mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười. Nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn.
Nhổ hẹ nước về, người dân cắt bỏ gốc, rễ, rửa sạch, ăn sống với nước cá kho, thịt kho… nhưng ngon nhất là chấm mắm kho, một món ngon của người miệt đồng.
Hẹ kỵ với mật ong và thịt trâu. Người bị chứng âm hư hỏa vượng (mặt đỏ, bừng nóng, ngực nóng, lòng bàn tay chân nóng, đổ mồ hôi trộm, miệng khô, lưng đau, gối mỏi, tay chân tê…) không nên ăn hẹ.
Theo DNSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)