Cùng là công lập nhưng có nhiều trường ĐH hiện thu học phí (HP) rất cao khiến sinh viên (SV) ngỡ ngàng, người trong ngành thắc mắc.
SV đóng học phí năm học 2011-2012 tại trường ĐH Tôn Đức Thắng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Cao như ngoài công lập
Nghĩ rằng HP các trường công lập đều như nhau nên Y.V, vừa thi đậu vào ngành Việt Nam học của trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã rất bất ngờ khi biết HP và các khoản phí khác phải đóng cho trường đến gần 15 triệu đồng. Nhà nghèo, không thể kham nổi mức HP này nên Y.V quyết định kiếm việc làm chờ năm sau thi vào một trường công lập khác có mức HP nhẹ nhàng hơn.
Trên thực tế, hiện có nhiều trường công lập nhưng thuộc diện tự chủ tài chính nên học phí không theo khung quy định mà thường cao hơn nhiều lần |
Cũng thi vào trường ĐH Tôn Đức Thắng ngành toán ứng dụng, T.V cũng gặp khó khăn về HP. T.V cho biết do không tìm hiểu kỹ HP của trường này so với các trường công lập khác, nên giờ phải chạy vạy khắp nơi. Mẹ V. đã phải bán chiếc xe máy là phương tiện làm ăn chính của gia đình cũng như phải đi vay nóng với lãi suất 20% để V. nhập học.
Nhiều thí sinh cho biết khi đăng ký dự thi ĐH thường không để ý đến HP vì nghĩ rằng các trường công lập thu HP theo quy định của Nhà nước. Trên thực tế, hiện có nhiều trường công lập nhưng thuộc diện tự chủ tài chính nên HP không theo khung quy định mà thường cao hơn nhiều lần.
Nhập nhằng
Từ năm 2002 cũng có một số trường ĐH công lập tự chủ tài chính nhưng lại thu HP theo đúng quy định dành cho các trường công lập. Đó là các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội… Đây là các trường công lập đang được Bộ GD-ĐT thí điểm về tự chủ tài chính. Những trường này thường có nguồn thu sự nghiệp cao nên bộ giảm phí chi thường xuyên (lương, hoạt động dịch vụ…) cấp hằng năm cho trường. Chẳng hạn năm 2008 trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ được bộ cấp 4,31 tỉ đồng – so với số tiền hơn 26 tỉ đồng những năm chưa thực hiện tự chủ tài chính.
Khung HP theo quy định các trường ĐH công lập
Mức trần HP theo các nhóm ngành đào tạo năm học 2011 – 2012 gồm: Nhóm ngành khoa học xã hội – kinh tế – luật, nông – lâm – thủy sản: 355 ngàn đồng/tháng); khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ, thể dục thể thao – nghệ thuật, khách sạn – du lịch: 395 ngàn đồng/tháng, y dược: 455 ngàn đồng/tháng.
Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP HP một số trường ĐH công lập tự chủ tài chính (Bộ GD-ĐT không quản lý về tài chính)
ĐH Tôn Đức Thắng: 6 triệu đồng/học kỳ.
ĐH Tài chính – Marketing: gần 3 triệu đồng/học kỳ.
ĐH Công nghiệp TP.HCM: khoảng 2,2 triệu đồng/học kỳ.
ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: 2,275 triệu đồng/học kỳ.
|
Theo tìm hiểu, những trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm… là trường ĐH công lập tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên, không do Bộ GD-ĐT chủ quản. Theo Nghị định 43/2006 về Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ, có 3 hình thức trường công lập: Nhà nước lo 100%, tự chủ một phần và tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.
Đối với 2 hình thức sau có quy định: “Đơn vị căn cứ nhu cầu chi phục vụ cho hoạt động, khả năng đóng góp của xã hội để quyết định mức thu cụ thể cho phù hợp với từng loại hoạt động, từng đối tượng, nhưng không được vượt quá khung mức thu do cơ quan có thẩm quyền quy định”. Tuy vậy, đối với các trường mà Bộ GD-ĐT không phải là cơ quan chủ quản, trước tới nay chưa thấy các bộ, ngành chủ quản quy định khung mức thu HP cho trường ĐH mình quản lý. Tự xác định đứng ngoài Nghị định 49 của Chính phủ (thu HP theo khung quy định), những trường này định các mức HP khác nhau.
Thế nên mới có tình trạng cùng là trường ĐH công lập tự chủ tài chính mà có 2 mức HP khác nhau gây thắc mắc cho nhiều phụ huynh và SV.
Cần phải công khai thông tin
Mong muốn của người học là các trường phải công khai thông tin về loại hình trường cũng như mức HP trước khi tuyển sinh để thí sinh biết. Chắc chắn không một thí sinh nào biết được sự khác biệt giữa các trường công lập về vấn đề tự chủ tài chính. Các trường thường cũng lợi dụng điều này, không thông tin cụ thể để đặt SV vào chuyện đã rồi.
Đối với thí sinh dự thi ĐH-CĐ, Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT phát hành là tài liệu chính thống về thông tin tuyển sinh của các trường từ chỉ tiêu đến HP. Thế nhưng trong tài liệu này năm 2011, các trường ĐH công lập tự chủ tài chính như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tài chính – Marketing, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… không có một chi tiết nào công khai về loại hình trường cũng như mức HP. Chính vì thế, SV thường rất hoang mang trước thông tin về HP và các loại phí khác mà những trường này công bố vào mỗi đầu năm học.
Theo Đăng Nguyên
(TNO)
Bình luận (0)