Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rối rắm khen thưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay từ năm học 2014-2015, năm học đầu tiên thực hiện theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, giáo viên tiểu học đã thấy sự rối rắm khi thực hiện việc khen thưởng học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3 (Bình Chánh, TP.HCM) được giáo viên chia thành nhiều nhóm để thảo luận. Ảnh: N.Trinh

Theo đó, việc khen thưởng học sinh tràn lan với nhiều lời khen khác nhau trên giấy khen, mỗi trường mỗi kiểu đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận xã hội. Và giáo viên tiểu học cũng đã có nhiều ý kiến về việc này. Thế nhưng đến hôm nay, chúng tôi đang thực hiện tổng kết học kì I của năm học 2015-2016, việc khen thưởng cũng không có gì thay đổi.

Nếu gọi là thay đổi về khen thưởng học sinh trong học kì này thì đó là nhiều trường đã dùng từ ngữ trong chính Thông tư 30 để ghi vào giấy khen để không phải chịu trách nhiệm khi bị phê phán, cụ thể là: “Em đã đạt thành tích nổi bật về học tập, năng lực, phẩm chất”, “Em có tiến bộ vượt bậc về học tập”, “Em có tiến bộ vượt bậc về năng lực”, “Em có tiến bộ vượt bậc về phẩm chất” và yêu cầu giáo viên giảm bớt số lượng học sinh được khen.

Học sinh tiểu học còn rất bé nên sự thẳng thắn, trung thực của các em xuất phát từ cảm tính nhiều hơn. Cụ thể, các em thường ưu ái bầu chọn các bạn hay chơi chung với mình, các bạn “phe mình”…

Giáo viên căn cứ vào đâu để đánh giá học sinh là “có thành tích nổi bật”, “có tiến bộ vượt bậc” để khi có phụ huynh thắc mắc thì giải thích. Vậy là thầy cô lại phải dựa vào điểm các môn kiểm tra định kì: Tiếng Việt, toán, sử – địa… đạt 9-10 như trước đây cộng thêm việc học sinh tích cực phát biểu trong giờ học, chấp hành tốt nội quy… để có thể giảm số học sinh được khen và có cơ sở giải trình khi cần thiết.

Theo Thông tư 30, để có danh sách học sinh được khen thưởng, giáo viên phải hướng dẫn tất cả các thành viên trong lớp bình bầu và tham khảo ý kiến phụ huynh. Điều này không hề dễ dàng! Học sinh tiểu học còn rất bé nên sự thẳng thắn, trung thực của các em xuất phát từ cảm tính nhiều hơn. Cụ thể, các em thường ưu ái bầu chọn các bạn hay chơi chung với mình, các bạn “phe mình”… Một lớp trưởng học rất giỏi, ngoan ngoãn, quản lý lớp tốt nhưng rất ít học sinh giơ tay bầu chọn vì các bạn không thích em ấy vì “lớp trưởng hay báo cô biết những ai trong lớp chưa thực hiện tốt nội quy trường lớp như đánh nhau, đùa giỡn khi xếp hàng, xả rác, nói chuyện trong giờ giáo viên bộ môn…”. Giáo viên chủ nhiệm lại phải giải thích để các em thấy rõ đúng, sai, từ đó học sinh mới chịu bầu cho lớp trưởng. Cuối cùng thì danh sách khen thưởng học sinh hợp lý cũng là do giáo viên chọn lọc từ trước. Trong khi đó, việc tham khảo ý kiến phụ huynh về số học sinh được khen thưởng càng nan giải hơn. Thực tế, số phụ huynh có trình độ, quan tâm hiểu biết sâu sát về học tập, giáo dục học sinh lớp con em mình đang học rất hiếm hoi nên liệu ý kiến của họ là chính xác. Điều khó khăn nữa là giáo viên chủ nhiệm sẽ lấy ý kiến phụ huynh lúc nào? Giáo viên chấm bài kiểm tra học sinh vừa xong là phải làm thống kê báo cáo gấp cho trường để trường báo cáo về phòng GD-ĐT. Chẳng lẽ họp phụ huynh lần 1 để tham khảo ý kiến về học sinh được khen thưởng rồi họp phụ huynh lần 2 để báo cáo tổng kết học kì I? Có lớp, giáo viên chủ nhiệm gửi giấy về để phụ huynh cho ý kiến rồi nộp lại nhưng để thu đủ ý kiến phụ huynh của lớp phải mất cả tuần và như thế là trễ thời gian nộp danh sách học sinh được khen thưởng về cho ban giám hiệu.

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, giáo viên tiểu học mong lắm một hướng dẫn thật cụ thể, rõ ràng về việc khen thưởng học sinh, còn như hiện nay quả thật là hết sức rối rắm và gây nhiều khó khăn cho giáo viên.

Lê Phương Trí
(Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)

Bình luận (0)