Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rối rắm tên đường

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 15 năm qua, TPHCM có thêm nhiều khu dân cư mới ở các quận 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú và huyện Hóc Môn.

Cư dân thấy ngại ngùng khi ghi địa chỉ nhà mình  ở đường Kênh Nước Đen

Cư dân thấy ngại ngùng khi ghi địa chỉ nhà mình ở đường Kênh Nước Đen

Với những con đường mới mở, chủ đầu tư dự án đặt tạm tên đường theo số, hoặc số kèm chữ cái viết tắt tên phường, thậm chí đặt tên đường theo cách gọi tự phát của cư dân.
Cách gọi tự phát rồi thành tên đường
Có con đường mang tên Kênh Nước Đen, chạy qua địa phận quận Tân Phú và Bình Tân. Ngày trước, nơi đây là một dòng kênh nước đen ngòm và bốc mùi khó chịu nên người dân gọi là kênh nước đen. Sau này, kênh được cải tạo, một phần kênh được gia cố bờ kè, nạo vét và cải tạo môi trường nước. Ở đoạn đầu thuộc quận Bình Tân kênh được san lấp, làm cống hộp, cải tạo thành con đường mới, rộng rãi, ở giữa là công viên xanh mướt, được bố trí ghế đá, dụng cụ tập thể dục cho người dân. Vậy mà con đường vẫn mang cái tên đường Kênh Nước Đen phản cảm. Chị Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ đường Kênh Nước Đen) nói: “Kênh đã được cải tạo, con đường đẹp đẽ khang trang, vậy mà cái tên vẫn còn đó, tạo ấn tượng không đẹp, cư dân thấy ngại ngùng khi ghi địa chỉ nhà mình ở đường Kênh Nước Đen”.
Cách đó không xa là đường Bờ Bao Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú). Nhiều người thắc mắc về tên đường rất lạ như vậy. Những người lớn tuổi ở đây cho biết, “Tân Thắng” là tên của một trang trại bò rất lớn ở khu này ngày trước; còn “Bờ Bao” là do con đường cong cong. Khi mở đường, người dân gọi luôn là đường Bờ Bao Tân Thắng và từ đó trở thành tên của con đường. Tương tự, ở phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) có con đường mang tên rất lạ là đường Vào Y Tế Kỹ Thuật Cao, cũng thành tên đường từ cách gọi tự phát của người dân. 
Ở TPHCM, còn có nhiều con đường được đặt tên từ cái tên mà người dân quen gọi.
Tên đường như đánh đố
Anh Nguyễn Thế Phụng (ngụ đường 5/2004/XTT, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) kể lại sự cố hồi anh đi xin việc, mà nguyên nhân chỉ do tên con đường nơi gia đình anh ở: “Hồi mới ra trường, tôi làm hồ sơ đi xin việc. Một ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại của một chị phụ trách nhân sự của công ty nơi tôi ứng tuyển, nhưng không phải để hẹn phỏng vấn, mà góp ý về sự cẩu thả, thiếu nghiêm túc của tôi khi viết tầm bậy địa chỉ liên hệ ngoài bìa bộ hồ sơ. Tôi giải thích đường 5/2004/XTT đúng là tên đường nơi tôi ở, được đặt bằng số, năm làm đường và chữ XTT (viết tắt chữ tên xã Xuân Thới Thượng), chứ không phải tôi thiếu nghiêm túc nhưng có vẻ chị không tin. Tôi khá buồn nhưng cũng không trách chị mà rút kinh nghiệm, trong các bộ hồ sơ sau đó, tôi phải viết thêm một dòng giải thích lý do vì sao có tên đường như vậy để mọi người hiểu”. 
Ở quận 12 cũng chọn cách đặt tên thật kỳ lạ như vậy cho những con đường mới. Đường được đặt tên theo số thứ tự 1, 2, 3, 4…, rồi gắn vào chữ viết tắt tên phường, như HT (phường Hiệp Thành), TA (phường Thới An), TMT (phường Trung Mỹ Tây)…, thí dụ như đường TMT 01, TMT 2A… Những tên tạm như vậy dần thành tên đường được công nhận và trở thành địa chỉ chính thức. 
Cũng vì những tên đường được đặt tạm rồi thành tên chính thức như vậy mà có đến 2 con đường chỉ cách nhau chừng 70m cùng mang tên đường Số 2 ở trong một khu dân cư tại phường Phú Hữu (quận 9), do cả hai chủ đầu tư cùng đặt như vậy. Anh Trương Thành Gia ngụ tại đây than: “Chỉ một địa bàn dân cư rất nhỏ với hơn 100 hộ dân mà có tới 2 con đường mang tên giống nhau khiến các giao dịch của chúng tôi rắc rối. Mỗi lần có thư từ, bưu phẩm gì là gia đình tôi và gia đình cùng số nhà trên Đường số 2 kia phải tự trao đổi cho nhau, thậm chí cán bộ phường cũng tìm lộn địa chỉ hoài”.
TPHCM có hơn 3.600 đường, trong đó có gần 1.800 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường không có ý nghĩa, trùng tên, sử dụng tên khác của cùng một nhân vật, tên đường không đúng với tên danh nhân hoặc tên đường thiếu thẩm mỹ, phản cảm. Mới đây, TPHCM đã đặt tên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho nhiều con đường lâu nay mang tên tạm tại huyện Củ Chi, quận 8, quận 9. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều con đường mang tên kỳ lạ như đã nêu trên. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ còn mở hơn 810 con đường trong khi quỹ tên đường đang cạn. Không nên cứ đặt tên tạm, dễ dãi, để rồi về sau phải đặt lại, gây ra nhiều rối rắm, phiền hà cho người dân, vì đến khi đặt lại tên đường người dân sẽ phải xác nhận lại địa chỉ trên tất cả các giấy tờ học bạ, căn cước công dân, giấy chứng nhận nhà đất…  

THU HƯỜNG/SGGP

 

Bình luận (0)