Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rời trường vào… chợ đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Hữu Dân (ngồi) làm việc tại chợ cua đêm trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM
Vì hoàn cảnh, nhiều đứa trẻ đã phải tạm gác việc học, vật lộn với cuộc mưu sinh ở chợ đêm, môi trường được cho là phức tạp nhất. Dẫu chuỗi ngày phía trước mù mịt nhưng ước mơ được trở lại trường luôn cháy bỏng.
Nửa đêm, những chuyến xe tải chở sản vật của vùng sông nước Tây Nam bộ đổ về các chợ đầu mối tại TP.HCM. Đây cũng là thời điểm bắt đầu một ngày mới của nhiều lao động nhí, trong đó có cả những học trò nghèo dở dang việc học. Ở đó, mùa hè của các cô cậu là những ngày quần quật với giỏ cần xé nặng hơn trọng lượng của mình, cơ thể quyện mùi tanh của cá, tôm suốt hàng giờ.
Đêm hè ở chợ
Mặc dù ông chủ đại lý phân phối hải sản chợ đầu mối Bình Điền đã cho phép nghỉ 30 phút nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Thị Thùy Linh (ngụ P.6, Q.8), vẫn lộ rõ vẻ lo lắng, sợ mất việc, chốc chốc lại nhìn về phía ông chủ. Linh cho biết mình đã nghỉ học khi vừa chuẩn bị vào lớp 8 khi gia đình xảy ra biến cố. Bố Linh hành nghề xe ôm, không may bị tai nạn giao thông, nay sức khỏe đã phục hồi nhưng không thể tiếp tục công việc. Một mình mẹ phụ hồ nuôi cả nhà 5 miệng ăn. Mắt Linh ngấn lệ: “Nghỉ học buồn lắm nhưng không còn cách nào khác”. Thấy chúng tôi đang chuyện trò, một phụ nữ từ hàng cá ở góc cuối chợ cũng đến góp chuyện. Người này nói, dù học có mấy lớp nhưng Linh thông minh lắm, tính nhẩm còn nhanh hơn mấy bà bán cá lâu năm ở đây. Hoàn cảnh đẩy đưa, Linh sớm trở thành lao động chính trong gia đình. Tháng ngày phía trước còn mù mịt nhưng em luôn ước mơ được trở lại trường. Mặc dù học hành dở dang nhưng khi rảnh, Linh tự học qua sách. Cô giáo chủ nhiệm thường đến thăm và động viên, tạo mọi điều kiện nếu Linh đi học trở lại.
Con đường học vấn của cậu bé Nguyễn Hữu Dân (15 tuổi) dở dang khi phải theo gia đình từ xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang lên Sài Gòn mưu sinh. Dân xin phụ việc cho một gia đình thương lái ở chợ cua đêm trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3. Ngày làm việc của Dân bắt đầu từ 1 giờ 30 sáng, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không ít người đã phải bỏ ngay từ đêm đầu tiên. Thân hình Dân bé nhỏ so với tuổi nhưng trung bình mỗi đêm, em phải vác hàng trăm bao cua đồng lên, xuống xe tải, xe máy. Thời gian trước, khi chợ tan (từ 5 đến 5 giờ 45 sáng). Dân đã kết thúc ngày làm việc. Khoảng một năm trở lại đây, Dân xin làm thêm việc xay cua cho một bạn hàng quen của chủ ở chợ Phạm Văn Hai. “Mỗi giờ được 20.000 đồng, đó là khoản tiền tích lũy để lo tiền trường”, Dân nói. 
Nuôi ước mơ cho tương lai

Em Nguyễn Thị Hiếu Hạnh bán vé số tại quán nhậu trên đường 41, Q.4, TP.HCM
Nhiều năm nay, để có tiền đi học, em Nguyễn Thị Hiếu Hạnh (Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Q.4) một buổi đến trường, buổi còn lại đi bán vé số. Trống trường vừa tan là Hạnh tất tả chạy đi bán đến 13 giờ, chỉ kịp ăn vội ổ bánh mì rồi trở lại lớp học. Tan học chiều, em đi bán tiếp đến khuya mới về đến nhà. Vì không có nhiều thời gian, Hạnh chỉ bán vé số cho khách ở các quán ăn, quán giải khát gần trường. Hạnh chia sẻ: “Cha bỏ mẹ con cháu lúc cháu còn nhỏ. Mẹ đi làm nghề massage thu nhập không đủ sống”. Tranh thủ những ngày hè, Hạnh đi bán vé số cả ngày lẫn đêm để kiếm tiền chuẩn bị năm học mới.
23 giờ. Mưa lất phất. Trời se lạnh. Hàng trăm con người đủ mọi thành phần ở chợ Cầu Muối tất bật với công việc xuống hàng rau củ quả, phân loại, cân ký và phân phối về các chợ. Lẫn khuất phía sau những chiếc xe tải, kiện hàng to tướng chất thành đống là hình ảnh của những lao động ở lứa tuổi thiếu niên. Làm thuê cho một đại lý rau củ tương đối lớn, do ông Nguyễn Văn Phú làm chủ là hai cô bé, tuổi trạc 14-15. Một bé cho biết mình tên Trần Vũ Thanh My (14 tuổi, ngụ đường Bến Vân Đồn, Q.4), làm ở chợ này gần 2 năm. Hoàn cảnh của My thật đáng thương. Cha nghiện ma túy và đã mất trong trung tâm cai nghiện. Mẹ đã trải qua những tháng ngày tù tội vì môi giới cái chết trắng và hành nghề mại dâm. Tuổi thơ của My là chuỗi ngày sống trong tủi nhục, bạn bè xa lánh. Đó cũng chính là nguyên nhân mà My bỏ dở chuyện học. Là hàng xóm, hiểu hoàn cảnh của My, vợ chồng ông Phú đã giúp đỡ cho em công việc để tự nuôi sống mình.
Qua gần 20 năm hành nghề chở thuê ở chợ Cầu Muối, ông Nguyễn Thanh Cương không thể nhớ hết những đứa trẻ làm thuê tại đây. Mỗi đứa một hoàn cảnh. Ông Cương chậc lưỡi:
Hữu Dân hồ hởi chia sẻ: “Em sắp được đi học lại. Bà chủ hứa sẽ phụ em tiền học phí. Nếu không có gì thay đổi thì năm học tới, em sẽ đi học”.
“Chợ cũng là nơi nhiều đứa trẻ trưởng thành nhưng cũng là chốn trẻ học cái xấu của xã hội. Mà cũng mừng, nhiều đứa làm thuê cả đêm, ngày vẫn bám trường, học hành không bằng ai nhưng ít ra cũng có một nghề ổn định”. Để minh chứng, ông Cương tiếp, gần 10 năm làm nghề áp tải, bốc vác hàng ở chợ, có ai lì như thằng Tiến “gáy”, thằng Minh “cầu kho” đâu nhưng nay một người là tài xế xe tải và một người là nhân viên bán hàng siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Được biết, hai nhân vật này một thời là tay anh, chị có máu mặt ở chợ Cầu Muối, vào tù như cơm bữa.
Bài, ảnh:  Trần Anh
Mùa hè không trọn vẹn
Đã kết thúc kỳ nghỉ hè nhưng không ít cô cậu học sinh vẫn chưa có một ngày hè đúng nghĩa như mơ ước. “Tụi nhỏ ngày nào cũng như ngày đó, chẳng biết nghỉ hè là gì. Sáng mở mắt ra là làm đầu tắt mặt tối”, bà Nguyễn Thị Ban (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) nói về các đứa cháu ngoại của mình. Những ngày hè của cô bé Thúy, Hảo là những ngày trầm mình ở vuông tôm bỏ hoang vì ô nhiễm cách nhà vài cây số. Ban đêm, sau cơn mưa nặng hạt, các em lại đội đèn đi soi nhái. “Tiền học, mua sách vở, quần áo cho năm học mới cũng từ tiền bán nhái rừng của tụi nó. Mùa mưa nhái nhiều lắm, có đêm bắt được vài ký”, bà Ban nói.
Nhắc đến kỳ nghỉ hè, bé Thúy (học lớp 8 Trường THCS Doi Lầu) cười bẽn lẽn: “Các anh chị sinh viên tình nguyện về sinh hoạt mấy đêm, vui lắm. Tụi con đứa nào cũng thích”. Thầy Nguyễn Văn Phước, Hiệu trưởng Trương THCS Doi Lầu cho biết, học sinh của trường đa phần là con em gia đình nghèo, công việc không ổn định. Nhiều năm trước, khi nguồn nước chưa ô nhiễm, việc kiếm tiền từ mò cua, bắt ốc không mấy khó khăn nhưng những năm gần đây, nguồn tôm, cá đã cạn kiệt khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn.
Cách nhà Thúy một vạt rừng đước, căn nhà nhỏ, đúng hơn là một căn chòi từ hơn tuần nay cửa đã đóng kín. Hàng xóm cho biết, chủ nhân của căn nhà ấy là đôi vợ chồng trẻ, sống bằng nghề chuyên chở cừ tràm. Bà Ngô Thị Mây, người hàng xóm nói: “Tụi nó về Tân Hưng – Long An lấy tràm nên đã đưa mấy đứa nhỏ đi theo. Sắp tới ngày đi học rồi nhưng chưa thấy về, không biết có được đến trường nữa không?”.
T.An
 
 

Bình luận (0)