Không ít thí sinh hoang mang do khai khu vực ưu tiên dự thi ĐH, CĐ một đằng nhưng trong giấy báo dự thi trường gửi lại ghi một nẻo. Nguyên nhân do có nhiều cách hiểu khác nhau về quy chế sửa đổi ưu tiên khu vực trong tuyển sinh.
Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi năm 2014 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Khu vực 1 hay khu vực 2
Gọi điện đến Báo Thanh Niên sau khi con nhận được giấy báo dự thi, một phụ huynh ở Buôn Ma Thuột thắc mắc: “Con tôi đăng ký dự thi vào 2 trường tại TP.HCM và đều khai trong hồ sơ theo hướng dẫn của trường là khu vực 1. Tuy nhiên, đến nay nhận giấy báo dự thi Trường ĐH Y Dược TP.HCM ghi khu vực 2 mà Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ghi khu vực 1. Bạn bè của cháu thi vào các trường khác đều nhận được giấy báo là khu vực 1”.
Một phụ huynh khác ở Pleiku (Gia Lai) cũng bức xúc: “Tại Gia Lai nếu thí sinh đăng ký vào các trường ĐH: Bách khoa TP.HCM, Công an nhân dân, Tây Nguyên, Quy Nhơn… sẽ được cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực. Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cấp giấy báo dự thi lại điều chỉnh thành khu vực 2”.
Trường chỉnh sửa, trường không
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết có hàng trăm hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, đặc biệt là từ các tỉnh Tây nguyên, đều bị ghi sai khu vực. Theo quy định mới về ưu tiên khu vực của Bộ GD-ĐT, một số khu vực 1 ở các tỉnh này thành khu vực 2. Tuy nhiên, hàng loạt hồ sơ của thí sinh vẫn thể hiện là khu vực 1. Theo ông Tịnh, nếu các trường không kiểm dò kỹ và vẫn gửi giấy báo cho thí sinh sai khu vực ưu tiên, sẽ dẫn đến tình huống kiện cáo xảy ra sau này. Chẳng hạn, thí sinh cứ nghĩ mình trúng tuyển (theo mức điểm ưu tiên khu vực 1) nhưng thật sự không trúng tuyển.
Ngược lại, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Trường rất cân nhắc và họp bàn nhiều lần về việc có hay không điều chỉnh khu vực ưu tiên của thí sinh trước khi in giấy báo. Tuy nhiên, trường quyết định giữ nguyên thông tin thí sinh khai trong hồ sơ vì không có cơ sở chính xác để chỉnh sửa. Việc này trường sẽ thực hiện khi làm thủ tục nhập học với thí sinh trúng tuyển”.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thử của trường thì có tới 660 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay có khu vực ưu tiên chênh lệch so với quy chế mới. “Dù chỉ cách nhau từ 0,5 đến 1,5 điểm nhưng nếu không chỉnh ngay bây giờ sẽ có hàng loạt thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng không trúng tuyển, các trường cũng gặp nhiều rắc rối trong xác định điểm chuẩn”, ông Đương cũng lo ngại.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, nói thêm: “Chỉ có hơn nửa tháng để xử lý số liệu và in trên 24.000 giấy báo dự thi nên trường chỉ có thể kiểm dò sơ bộ về tên ngành, mã ngành. Khu vực ưu tiên trường giữ nguyên như hồ sơ thí sinh. Từ nay đến cuối tháng 6, trường sẽ kiểm dò trước khi gửi thông báo danh sách thí sinh khai chưa đúng quy chế mới về khu vực ưu tiên cho các sở”.
Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, năm nay trường nhận được hơn 21.000 hồ sơ. Vì con số quá lớn, bộ phận tuyển sinh chỉ có thể kiểm dò ở mức độ nhất định. Vì vậy, để hạn chế sai sót nhiều hơn về khu vực ưu tiên, trường đưa tất cả thông tin của thí sinh lên trang web của trường. Thí sinh sẽ xem thông tin này để thông báo với trường nếu có sai sót. Trường sẽ tiến hành chỉnh sửa thông tin của thí sinh khi có phản ánh.
Ai nhầm lẫn?
Ông Lữ Đình Dưỡng, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT Gia Lai, khẳng định: “Toàn tỉnh có 222 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực 1, 2, 3 thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn (2012 – 2015) được quy định tại Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013 của Ủy ban Dân tộc. Tức các thí sinh học tại các trường THPT đóng trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai đều nằm trong khu vực 1”.
Ông Dưỡng còn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng vừa nhận được giấy báo dự thi của Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì thấy một loạt thí sinh được xếp vào khu vực 2, khu vực 2 nông thôn. Trong khi đó, khi nhận giấy báo dự thi của hơn 180 trường trên toàn quốc thì tất cả thí sinh ở Gia Lai đều là khu vực 1, được hưởng điểm ưu tiên khu vực 1,5. Vấn đề này chắc chắn Trường ĐH Y Dược TP.HCM có sự nhầm lẫn gì đó”.
Tuy nhiên, PGS-TS Đặng Văn Tịnh cho rằng cách hiểu này của các sở có thể do nhầm lẫn. Ông Tịnh nói, trường bám sát vào Quyết định 447 của Ủy ban Dân tộc và 539 của Thủ tướng Chính phủ. Chẳng hạn, khi bám vào Quyết định 447 để tính khu vực ưu tiên 1 trong tuyển sinh trường chỉ tính dựa trên danh sách các thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, tỉnh Gia Lai có toàn bộ 222 xã thuộc khu vực 1, 2, 3 theo quyết định này nhưng chỉ có 664 thôn đặc biệt khó khăn của các xã này được tính khu vực ưu tiên 1. Các thôn còn lại của 222 xã này sẽ không thuộc khu vực 1. Ông Tịnh nhấn mạnh: “Đáng ra phải xác định theo đơn vị tính là thôn thì các sở lại nhầm lẫn đơn vị tính là xã nên mới nghĩ rằng toàn tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk đều thuộc khu vực 1”.
Bộ có công văn khẩn
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết Thông tư 06 ban hành ngày 11.3.2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy thi rõ, khu vực 1 gồm “các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 1, 2, 3 thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015 theo quy định hiện hành”. Như vậy, đơn vị để xác định ưu tiên khu vực 1 theo ông Nghĩa là xã chứ không phải thôn. Tất cả các thôn và xã có tên trong 2 quyết định trên đều thuộc khu vực 1. Ngoài ra, khu vực 1 còn được tính theo vị trí trường THPT thuộc huyện có xã khó khăn trên. Vì thế, để gỡ rối tình trạng này Bộ đã gửi công văn khẩn yêu cầu các sở lập danh sách các trường THPT đóng trên địa bàn huyện có xã khu vực 1 để Bộ tổng hợp gửi các trường ĐH, CĐ thực hiện cho đúng, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
H.Ánh – T.Công – Đ.Nguyên
Theo Thanh niên
Bình luận (0)