Từ hồi nhỏ tôi đã được nghe nhiều người nói câu Mọi ngả đường đều dẫn tới La Mã. Lớn lên được biết La Mã là Rome, thủ đô của nước Ý. Từ VN chẳng biết tới đó bằng đường nào nhưng cứ ước mơ: “Sau này có dịp nhất định mình sẽ đến”.
1. Rome vừa là thủ đô, vừa là thủ phủ vùng Lazio miền trung nước Ý, thuộc bán đảo Địa Trung Hải, nằm trên hợp lưu của sông Aniene và sông Tiber. Rome là một trong những thủ đô lâu đời nhất của thế giới, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên trên 7 quả đồi liền nhau. Cả thành phố như một bảo tàng khổng lồ với nhiều quảng trường, tu viện, hoàng cung, đấu trường, miếu thần, pháo đài cổ, đài phun nước… Cả “quốc gia” Vatican cũng lọt thỏm trong Rome. Nếu không có xe cộ qua lại như mắc cửi và các cửa hàng hiện đại, khách cứ ngỡ mình lạc vào thế giới trung cổ khi thong dong bát phố trên các cỗ xe ngựa 4 bánh sang trọng gọi là botticelle.
Đấu trường Colosseum – Ảnh: shutterstock
Rome có quá nhiều thứ để chiêm ngưỡng và có lẽ là thủ đô duy nhất ở châu Âu có dịch vụ cho thuê xe gắn máy (chủ yếu là xe tay ga – các loại Vespa, Lambretta…) để dạo chơi. Đấu trường La Mã Colosseum – di sản văn hóa thế giới là lựa chọn số 1 khi đến Rome, được xây dựng từ những năm 70 hoặc 72 sau Công nguyên, trên lòng hồ nhân tạo rộng khoảng 24.000 m2. Đây là nơi diễn ra những cuộc giác đấu giữa các võ sĩ với võ sĩ, võ sĩ với mãnh thú và mãnh thú với mãnh thú.
Đấu trường được thiết kế hình elip tuyệt mỹ với các vòm cuộn, cung giao thoa, tường ngang hình quạt, có sức chứa khoảng 80.000 người, được phân chia theo đẳng cấp xã hội. Colosseum rộng 156m, dài 188m, cao 48m, gồm 3 tầng với 4 hàng cửa vòm cuốn bằng trụ đá vuông. Mỗi hàng có 80 cửa ra vào, vị chi là 320 cửa tất cả. Do vậy chỉ cần 15 phút để vào và 5 phút để ra cho mấy chục ngàn khán giả. Hệ thống ra vào với hàng loạt cầu thang và hành lang cách đây gần 2.000 năm y hệt các sân vận động thể thao hiện đại ngày nay. Mặt sân khấu có thể biến thành hồ nước nếu có thủy chiến. Phía dưới là nơi nhốt thú dữ với từng chuồng riêng, có cửa kéo bằng tời.
Để che mưa nắng, Colosseum có 73 tấm vải màu sáng phía trên mái, đều chỉnh bởi hệ thông tời rất kỳ công. Ước tính trong gần 400 năm (từ năm 80 đến khi đế chế La Mã sụp đổ vào năm 476), có hàng ngàn cuộc giác đấu tập thể, gần 500.000 người đã bỏ mạng để làm trò vui cho đồng loại, có trận lên tới 5.000 đấu sĩ tham gia. Có người đã ví Colosseum là chiến trường đẫm máu nhất của hành tinh, mỗi mét vuông có khoảng trên 20 người chết! Sự tàn khốc đã đi vào dĩ vãng từ 1.500 năm nhưng mỗi lần đến Colosseum tôi vẫn cảm nhận giữa cảnh hoang phế sự u uất, lạnh lẽo, âm khí vẫn phảng phất đâu đây. Ngày nay Colosseum là biểu tượng chống lại cái chết. Mỗi khi có nước nào trên thế giới bỏ luật tử hình thì cả đấu trường năm xưa lại thắp đèn sáng rực suốt 48 giờ để chào mừng.
2. Cách Colosseum chừng mấy phút đi bộ là đồi Palentino, cao 70m; vị trí lý tưởng để ngắm nhìn Rome cổ kính. Đồi Palentino gắn liền với truyền thuyết La Mã cổ đại, nơi 2 anh em sinh đôi Romulus và Rimus bị bỏ rơi được dê cái nuôi dưỡng. Do vậy biểu tượng của Rome là 2 đứa bé đang bú sữa con dê mẹ.
Đài phun nước Trevi ngay trung tâm Rome – một công trình kiến trúc cổ cực đẹp – là điểm hẹn tâm linh – nơi du khách gửi gắm ước nguyện. Từ thời đại đế Augusto trước Công nguyên, đây là miệng một máng dẫn nước suối thiêng phục vụ dân chúng, gọi là Aqua Vergine – nước tinh khiết. Đến thế kỷ 17 đài phun nước Trevi mới được hoàn thiện như ngày nay nhưng vẫn giữ được suối nguồn xưa. Tâm điểm của đài là tượng thần biển Neptune khổng lồ trên cỗ xe, hình vỏ sò do 2 vị thần Nhân ngư (Triton) điều khiển, được kéo bởi 2 con ngựa biển, một con bất kham, một con ngoan ngoãn; tượng trưng cho đại
Chính quyền quy hoạch thủ đô theo hướng đồng tâm với các vành đai quy định cho từng loại phương tiện. Chủ nhân của xe có nhà trong vành đai mới được vào (có biển số riêng hoặc có giấy phép), còn lại phải gửi xe và đi xe bus vào trung tâm. |
dương lúc bình yên, lúc dữ dội. Phía trên là 4 bức tượng Xuân, Hạ, Thu, Đông. Du khách đến đây thường đứng quay lưng lại, thành kính ném 2 đồng xu xuống đài phun nước bằng tay phải qua vai trái, một để ước mơ riêng và một cho mong ước sẽ trở lại Rome.
Cách đó không xa là đền Patheon được khởi công vào năm 27 để thờ các vị thần La Mã. Sau khi bị cháy, đền được xây dựng hoàn thiện vào năm 125. Nhìn bề ngoài, ngôi đền gần 2.000 năm tuổi không có gì đặc biệt so với những ngôi đền cổ phong cách Hy Lạp. Điểm khác lạ ấn tượng nhất là mái vòm của đền có đường kính 43,44m – mái vòm cổ đại lớn nhất – không có cột chống và dĩ nhiên chưa có cốt thép.
Chất liệu để “đúc” mái vòm là hỗn hợp đá vôi trộn với tro và nham thạch núi lửa. Các họa tiết trang trí bên trong đơn giản mà ấn tượng, có mộ vua Umberto I, danh họa Raphael, kiến trúc sư tài ba Baldassare Peruzzi… Đặc biệt là độ bền của các chất liệu xây dựng, từ trần, tường đến nền nhà; chất lượng và màu sắc vẫn còn nguyên vẹn.
3. Rome có nhiều quảng trường đẹp, đó là những kiệt tác về kiến trúc và mỹ thuật độc đáo tạo nên diện mạo đặc thù của thủ đô nước Ý. Quảng trường lớn nhất là Venezia ở trung tâm thành phố được hình thành từ giữa thế kỷ XV còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ của các nhân vật nổi tiếng ở Rome. Nhiều người Ý gọi quảng trường này là “Diễn đàn tổ quốc”. Còn quảng trường Tây Ban Nha được gọi là “trái tim du lịch” của Rome – nơi thu hút nhiều du khách nhất. Đây là điểm hẹn lý tưởng để tỏ tình với người yêu; là nơi lý tưởng để hoài niệm, tiếc nuối những mối tình dang dở…
Quảng trường còn có ngôi nhà kỷ niệm màu hồng của 2 nhà thơ Anh nổi tiếng John Keats và Percy Byssche Shelley. Ngoài ra còn có quảng trường Navona với chợ vẽ chân dung tấp nập về đêm. Quảng trường Spagna, nơi tụ tập của văn nghệ sĩ. Quảng trường Numa có nhà tắm công cộng cổ Caracalla chứa được 1.600 người. Quảng trường Barberini có đài phun nước Trevi. Quảng trường Bocca Della có Bocca Della Verita (Miệng Sự Thật) là phù điêu bằng đá, đường kính khoảng 1,5m có hình đầu sư tử đang há miệng. Thiên hạ đồn rằng khi du khách bỏ tay vào miệng sư tử, ai nói dối sư tử sẽ cắn.
Chuyện vui như thế mà ai cũng tin, cứ rồng rắn xếp hàng bỏ tay vào miệng sư tử vài giây rồi hớn hở mình là người trung thực!… Lang thang khám phá các quảng trường ở Rome là việc làm không thể thiếu của du khách thập phương, đặc biệt là những người trở lại Roma nhiều lần. Các bảo tàng quốc gia Sanluca, bảo tàng Lịch sử Giải phóng Rome, bảo tàng điêu khắc Borghese… cũng là những điểm đến kỳ thú.
4. Rome là thủ đô châu Âu có nhiều xe gắn máy nhất, dù xe hơi cũng qua lại như mắc cửi. Kẹt xe là tệ nạn của cả thế giới. Rome cũng không loại trừ nhưng có cách giải quyết khá hiệu quả. Chính quyền quy hoạch thủ đô theo hướng đồng tâm với các vành đai quy định cho từng loại phương tiện. Chủ nhân của xe có nhà trong vành đai mới được vào (có biển số riêng hoặc có giấy phép), còn lại phải gửi xe và đi xe bus vào trung tâm. Hệ thống camera quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm ngặt các vi phạm. Vì nhà chứa và khu đèn đỏ bị cấm hoạt động, gái bán hoa phải dạt ra đường nhưng điều lạ là họ lại mặc đồ “thừa vải”. Bởi mặc đồ “thiếu vải” sẽ bị phạt vì làm các tài xế mất tập trung. Ăn xin ở Rome cũng đủ cung bậc. Từ mấy người da màu rách rưới đến những “công dân” lịch lãm, có khi hóa trang thành các nhân vật: Nữ thần Tự Do, võ sĩ giác đấu, các tượng sáp (nhân tượng)…
Đến Rome, ngoài việc thuê xe Vespa thong dong làm người Ý, tôi thích đi tàu điện ngầm để khám phá thành phố, đặc biệt là các nhà thờ. Rome có hơn 900 nhà thờ – những di sản đặc sắc về kiến trúc La Mã… Tôi cũng thích phiêu bồng với Sky Tour Rome hay lang thang qua các quảng trường ngắm thiên hạ dập dìu, xem các nghệ sĩ đường phố biểu diễn rồi thưởng thức và suy ngẫm về ẩm thực Ý. Cà phê có xuất xứ từ Ethiopia nhưng người Ý là dân tộc sành điệu và uống cà phê có hạng.
Cà phê sữa Capuchino như những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của người pha chế. Cà phê Espressco đậm đặc, như một loại rượu, không quen uống có thể xây xẩm! Mì vốn có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng mì Ý mới hảo hạng với nhiều loại từ hình dạng đến kích cỡ mà spaghetti là món ngon chủ lực. Kem Ý thì khỏi chê, mới nghe đã thèm. Bánh pizza, đặc sản Ý cũng có nhiều loại tùy theo vùng mà có nguyên liệu và hương vị riêng. Nhưng đi rồi, về mới hiểu ẩm thực chẳng nước nào bằng VN. Vừa phong phú về chủng loại, đa dạng về khẩu vị, màu sắc. Chỉ riêng nước chấm đã có mấy chục loại, rau có đến gần trăm thứ… Rất nhiều loại thực phẩm VN có chức năng chữa bệnh. Chỉ tiếc là bạn bè năm châu ít người biết, kể cả người Việt chưa chắc đã am tường. Đi đâu cũng gặp China food, còn VN thì “ta cứ ngồi khen ta”, dù cái khen đó rất đúng, rất thật.
Nguyễn Văn Mỹ / TNO
Bình luận (0)