Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng những ngày này đồng bào Mông tại xã vùng cao Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã rộn ràng trong không khí ngày Tết của dân tộc mình (từ ngày 10 đến 12/1 Dương lịch).
Để đến xã Pá Lông – một xã với đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi phải vượt qua quãng đường dài gần 50km từ trục Quốc lộ 6, thị trấn huyện Thuận Châu, quanh co theo các triền núi với độ cao tăng dần. Khi chân tay đã bị thâm tím vì cái lạnh ở vùng cao, chúng tôi mới đặt chân đến trung tâm xã.
Ông Ly Sếnh Chứ, Bí thư Đảng ủy xã Pá Lông, cho biết Pá Lông là một trong những xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện Thuận Châu, cuộc sống của người dân ở đây vẫn chủ yếu tự cung, tự cấp là chính, kinh tế chậm phát triển do giao thông đi lại khó khăn nên nông sản của người dân sản xuất ra phải bán với giá thấp. Dù vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, người dân luôn cố gắng chuẩn bị đón Tết chu đáo; phụ nữ đã may quần áo Tết cho gia đình từ cả tháng nay rồi, còn đàn ông trong gia đình thì cố gắng lo nốt việc gieo hạt trên nương để chuẩn bị đón Năm mới.
Theo lời giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi đến nhà ông Ly Nỏ Mua – một người có uy tín trong dòng họ tại xã Pá Lông, lúc đó mới đầu giờ chiều nhưng đã có rất đông người tụ tập ở đây để chuẩn bị giã bánh dày. Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương đã được nấu chín rồi được đổ vào cối để giã.
Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, khoét rỗng ruột còn chầy giã bánh cũng được làm bằng loại gỗ cứng và nặng. Giã bánh dày là một công việc nặng nhọc nên việc này thường do đàn ông phụ trách. Khi xôi đã được giã mịn, những phụ nữ Mông bắt đầu nặn thành những chiếc bánh tròn trịa, rồi ép vào trong lá chuối đã được cắt nhỏ rồi chờ cho khô để đem nướng.
Nói về phong tục làm bánh dày của người Mông, ông Ly Nỏ Mua cho biết bánh dày là món không thể thiếu của đồng bào Mông trong mâm cỗ ngày Tết, vì nó tượng trưng cho Mặt Trăng, Mặt Trời tượng trưng cho sức mạnh; đồng thời cũng là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông. Phong tục giã bánh dày ngày Tết do cha ông truyền lại là một nét đẹp trong văn hóa người Mông.
Rời nhà ông Ly Nỏ Mua, chúng tôi tiếp tục ngược dốc lên bản Tinh Lá để đến nhà anh Lia A Só. Thấy có khách tới nhà, đứa con trai cả của anh Mua vội chạy đi tìm bố về. Sau cái bắt tay, anh Só cho biết anh và một số nhà bên cạnh đang chung nhau mổ lợn đón Tết. Tết năm nào cũng vậy, ở bản này thường có khoảng từ 5-7 nhà sẽ chung nhau mổ một con lợn… Trong lúc nghe anh Só kể về những phong tục đón Tết, chúng tôi nghe thấy tiếng giã bánh dày vang dậy khắp bản và thi thoảng có cả tiếng sáo gọi bạn tình của các chàng trai Mông.
Đầu giờ chiều 9/1 Dương lịch, chúng tôi quay lại nhà ông Ly Nỏ Mua để cùng các thanh niên người Mông trong tộc ra đầu bản thực hiện nghi thức cúng đầu năm. Trước khi đi mỗi người dân tộc Mông đều mang một bộ quần áo cũ. Các thành viên trong dòng tộc đi quanh một thân cây đã được dựng sẵn, trên có treo một con gà trống đã luộc chín và các mảnh giấy trắng treo xung quanh. Sau khi già tộc cúng xong, các thành viên trong tộc đi năm vòng xung quanh rồi cho những bộ quần áo cũ đốt tại hướng Mặt Trời lặn, tiếp đó mỗi thành viên trong tộc lấy một ít giấy trắng trên thân cây, rồi đi bốn vòng xung quanh mới được trở về nhà.
Ông Ly Nỏ Mua giải thích, Lễ cúng đầu năm này có ý nghĩa cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu mong cho các con cháu trong dòng họ có được sức khỏe. Sau lễ cúng Năm mới, các thành viên trong dòng họ trở về nhà dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị các nghi thức đón Năm mới tại gia đình.
Khi về nhà ông Ly Nỏ Mua lấy một cành tre nhiều nhánh, trên đầu vẫn còn lá để quét xung quanh nhà, quét xong ông Mua vứt ra cửa chính, rồi sau đó mới đem đi vứt theo hướng Mặt Trời lặn. Ông Mua cho biết đây là nghi thức dọn dẹp nhà cửa mà bất cứ nhà nào trong dòng tộc cũng phải thực hiện và việc vứt cành tre được người Mông quan niệm rằng như thế mới rũ bỏ hết được những điều không may của năm cũ.
Nét độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc trong Tết của người Mông còn thể hiện ở bàn thờ trong những ngày Tết. Ông Mua mang năm quả trứng còn hai đứa con của ông cầm mỗi người một con gà đứng trước cửa chính để cúng vong, miệng ông rì rầm những điều không nghe rõ. Người nhà của ông cho biết: “Ông đang làm nghi thức xua đuổi những điều xấu ra khỏi nhà trước lúc đón tổ tiên và những điều may mắn về nhà."
Sau khi cúng xong, hai con gà được đem nhốt riêng để mổ. Tiếp đó, ông Mua đem con gà trống vào bàn thờ lạy tổ tiên, miệng thầm thì một hồi, rồi ông và các thành viên trong gia đình cắt tiết ngay tại ban thờ; lấy tiết gà và ba lọn lông gà dán lên tờ giấy trắng đặt giữa ban thờ.
Ông Mua cho biết ba lọn lông gà này phải lấy từ chính những chiếc lông đẹp nhất sau gáy con gà trống lúc cắt tiết để cúng tổ tiên. Lọn lông gà thứ nhất có tác dụng trừ tà, không để tà ma vào được nhà; lọn thứ hai để bảo vệ sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình; lọn thứ ba bảo vệ họ hàng, làng bản bình yên. Ba con gà sau khi cắt tiết được luộc lên rồi cúng tổ tiên một lần nữa. Đến đây người Mông đã chính thức đón chào một Năm mới.
Các nghi thức được thực hiện xong cũng là lúc trời tối. Chúng tôi theo chân các già tộc sang chúc tết nhà ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pá Lông Vừ Chứ Trỉa. Sau cái bắt tay và lời chúc mừng Năm mới tốt đẹp, ông Chủ tịch xã mời cả đoàn vào nhà dùng bữa cơm đầu tiên của Năm mới. Nét độc đáo trong bữa cơm ngày Tết của người Mông là không ăn rau, mâm cơm chỉ có thịt, đậu phụ, bánh dày, rượu ngô và một ít bánh kẹo.
Theo lời ông Trỉa, người Mông quan niệm rằng cả năm đã ăn rau rồi nên những ngày Tết không ăn rau nữa, phải ăn món thịt, đậu phụ, những thứ có màu trắng thì sẽ có một Năm mới tốt lành.
Với người Mông tại Pá Lông, đêm 30 Tết mọi nhà không được tắt điện, mọi người sẽ đi từng nhà trong dòng họ để chúc Tết, uống chén rượu ngô thơm nồng, để cầu mong một Năm mới nhiều điều tốt lành./.
Bình luận (0)