Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Rộng cửa cho sách thiếu nhi thuần Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Sách tranh thuần Việt đang ngày càng phát triển, định vị giá trị và tiếp tục dòng chảy mạnh mẽ. Từ việc chỉ mua bản quyền sách nước ngoài, nay sách tranh thuần Việt đã có nhiều nội dung riêng đa dạng, phong phú, sinh động về môi trường, văn hóa, thiên nhiên, cây cỏ, muôn loài…

Tỏa sáng với nhiều giải thưởng

Trong số các tác phẩm được vinh danh tại giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023 (vừa công bố và trao giải vào cuối tháng 12/2023, tại Hà Nội), có 7 tựa/bộ sách dành cho thiếu nhi và phần lớn là sách tranh thuần Việt. So với các kỳ giải thưởng trước, đây là lần đầu tiên nhiều sách tranh thuần Việt được chọn trao giải, với đề tài đa dạng. 

Những đứa trẻ hạnh phúc - bộ sách tranh thuần Việt đầu tiên  khai thác nhân vật chính là trẻ em các dân tộc Việt Nam

Những đứa trẻ hạnh phúc – bộ sách tranh thuần Việt đầu tiên khai thác nhân vật chính là trẻ em các dân tộc Việt Nam

Đáng chú ý phải kể đến bộ Những đứa trẻ hạnh phúc (10 cuốn, nhóm tác giả: Lê Anh Vinh, Bùi Thị Diển và Bùi Việt Duy, Nhà xuất bản Kim Đồng). Đây là bộ sách tranh đầu tiên khai thác các nhân vật trẻ em thuộc nhiều dân tộc: Kinh, Thái, Hà Nhì, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khơ Me… Các tác giả cùng vẽ nên thế giới tuổi thơ muôn màu, qua đó gửi gắm câu chuyện về văn hóa của mỗi vùng đất, các dân tộc. Với những giá trị được chuyển tải, bộ sách tranh Những đứa trẻ hạnh phúc đã được trao giải Khuyến khích. 

Cùng đoạt giải Khuyến khích còn có bộ Tiếng rừng (3 cuốn, tác giả: Nguyễn Chiều Xuân và họa sĩ Heg). Đây là bộ sách đầu tiên trong dự án sách Em yêu Việt Nam mình do Lionbooks đầu tư và phát hành. Tiếng rừng ra đời vào đầu mùa hè năm 2022, là một trong những bộ sách thuần Việt hiếm hoi ở thời điểm đó chọn khai thác đề tài về vùng đất, văn hóa Tây Nguyên. Tác giả Nguyễn Chiều Xuân (nhà sáng lập Lionbooks) đã rất tâm huyết với dòng sách tranh về văn hóa Việt. Ngoài việc chủ động viết sách, chị cũng đặt hàng các tác giả khác để làm tròn đầy dự án Em yêu Việt Nam mình với những câu chuyện mang bối cảnh Hà Hội, TPHCM, miền Tây và khu vực biển miền Trung, quần đảo Trường Sa… Hành trình “làm sách Việt cho trẻ em Việt Nam” của Chiều Xuân và Lionbooks từ những bước chập chững khởi đầu, đến giờ đã gặt hái quả ngọt. 

Với Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (bút danh Mình Là Hũ), giải B – giải thưởng Sách Quốc gia 2023 cho bộ sách Hít hà mùi đất nước (gồm 6 cuốn) là một vinh dự lớn. “3 năm trước, ý tưởng này của tôi được cho là không nên làm, không thể làm được. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi, vì tin vào việc sách tranh thiếu nhi về môi trường có thể nhẹ nhàng, thân thiện, thú vị và gần gũi mà không giáo điều” – Quỳnh Hương chia sẻ. Cô cùng họa sĩ Trúc Nhi Hoàng đã mất gần 2 năm để hoàn thành bộ truyện. Hít hà mùi đất nước truyền tải những thông điệp rất nhân văn về thiên nhiên, môi trường, cho trẻ nhỏ sớm tiếp cận và hiểu hơn về thiên nhiên; từ đó, hình thành nhận thức cho trẻ thơ về môi trường xanh, sạch và biết yêu thương cỏ cây, muôn loài. 

Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay cũng đã chọn bộ sách kỹ năng 15 bí kíp giúp tớ an toàn để trao giải C. Các bộ sách dành cho thiếu nhi được tôn vinh năm nay một lần nữa cho thấy sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn chất của dòng sách tranh thuần Việt. 

Dòng chảy tiếp nối

Những năm qua, tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương vẫn miệt mài trên hành trình gieo hạt tâm hồn qua trang sách cho trẻ nhỏ. Mới đây, chị còn tổ chức trại sáng tác cho tác giả và họa sĩ minh họa sách thiếu nhi về chủ đề “Năng lượng bền vững” (LCWC 2023, do Slowbooks và quỹ Green Youth Labs Vietnam tài trợ). Thông qua sách tranh để chuyển tải những thông điệp về môi trường, sinh thái, năng lượng bền vững… là những kỳ vọng từ trại sáng tác. Với những chủ đề biểu thị qua các câu hỏi như: “Bạn điện có biết mệt không?”, “Đàn cá linh về nhà có vất vả do dòng sông bị khai thác?”, “Nắng trốn đi đâu rồi?”, “Công chúa quên tắt nước thì sẽ ra sao?”…, nhiều câu chuyện kể/bài thơ đã được ra đời. 

Tiếp cận ở góc độ gần gũi, cách kể hóm hỉnh và dễ hiểu nhưng lại có thể đưa đến cho trẻ em nhiều thông điệp ý nghĩa là cách các tác giả, họa sĩ chọn làm cho sách tranh thiếu nhi. Cùng với sự đặt hàng, đầu tư của các đơn vị làm sách/xuất bản, sách tranh thuần Việt đã có được bệ phóng vững chắc, ngày càng khẳng định được dấu ấn riêng và có sức lan tỏa. 

Ngoài các chủ đề cần thiết về kỹ năng, phát triển tư duy, gia đình, trường học, sinh hoạt hằng ngày thì đề tài của sách tranh thuần Việt cũng ngày càng được mở rộng. Thiên nhiên, môi trường, văn hóa vùng đất, chủ quyền biển đảo, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã… đều đã và đang tiếp tục được khai thác. Trong quý I/2023, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với Thảo cầm viên dự kiến cho ra mắt bộ sách tranh Thiên nhiên kỳ thú (12 tập, nhiều tác giả). Đây cũng là lần đầu những câu chuyện có thật về muông thú được kể trong sách tranh.

Bên cạnh những câu chuyện kể ý nghĩa và phần minh họa dễ thương, dí dỏm về các loài trĩ sao, cừu đen, sếu, gấu chó…, bộ sách được kỳ vọng sẽ gieo vào lòng trẻ thơ tình yêu thương dành cho muôn loài; từ đó góp phần hình thành nhận thức sớm cho thế hệ mầm non về việc bảo vệ, bảo tồn động vật quý hiếm. 

Dòng chảy sách tranh thuần Việt vẫn đang được tiếp nối với kho chất liệu vô tận, trải dọc theo không gian văn hóa từ Bắc vào Nam, từ thiên nhiên đến muôn loài. Đó cũng là bước tiến đầy lạc quan cho sách tranh thuần Việt trên hành trình ra thế giới. 

Ngoài những bộ sách tranh thuần Việt, giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023 cũng tôn vinh các truyện dài thuộc thể loại văn học thiếu nhi: Chuồn chuồn ớt tìm mẹ (tác giả Nguyễn Hồng Chiến), Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lùng (tác giả Dương Đình Lộc), Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (nhà văn Nguyễn Khắc Cường).

Có thể nói, đây cũng là một mùa giải bội thu cho các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Giải thưởng cũng là một sự sàng lọc, định hướng cho bạn đọc trong việc chọn sách hay cho trẻ nhỏ; đồng thời cũng là điểm tựa giá trị trong việc lựa chọn giới thiệu sách Việt với bạn bè quốc tế. 

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)