Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Rộng cửa vào ĐH, thí sinh cần cẩn trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc đợt thi ĐH thứ 2, Bộ GD-ĐT cho biết, 2 đợt thi ĐH toàn quốc có 217 lượt trường ĐH tổ chức thi. Tổng số thí sinh ĐKDT cả 2 đợt là 1.696.960; số thí sinh đến dự thi đạt tỷ lệ 78,58%, tăng 1,58% so với năm 2010. Các trường đã huy động 137.307 lượt cán bộ tham gia công tác tuyển sinh tại 1.894 điểm thi với 48.025 phòng thi.
Năm nay có 326 thí sinh vi phạm bị xử lý, trong đó khiển trách 69, cảnh cáo 17, đình chỉ thi 240 và 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó cảnh cáo 1 người, đình chỉ 5 người. Trong cuộc họp báo chiều ngày 10-7 nhân kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, các lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới độ khó cũng như sự cố của đề thi năm nay, các giải pháp kỹ thuật trong việc cho phép rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, 3, và xa hơn là dự kiến về điểm sàn ĐH.
Dự kiến điểm sàn là 15-16

Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi ĐH, CĐ 2011.    Ảnh: Viết Thành
Đề thi năm nay nhìn chung được đánh giá là khó, đặc biệt là đề khối A, vậy xin Bộ cho biết liệu điều này có liên quan gì tới việc xây dựng mức điểm sàn hay không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chủ trương xuyên suốt của Bộ là ra đề thi không quá khó, không quá phức tạp, nằm trong chương trình lớp 12, đặc biệt là có tính phân loại cao, hợp lý với phổ điểm trung bình lớn. Như vậy điểm 9, 10 và điểm thật thấp sẽ ít đi. Riêng về đề khối A không khó theo nhận định chung. Đề được xây dựng để thí sinh có mức học trung bình đạt điểm trung bình. Còn theo tính chất phân loại của đề thi tuyển, nhiều thí sinh không làm được hết bài là chuyện bình thường.
Vậy xin ông cho biết dự kiến điểm sàn ĐH năm nay sẽ là như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chúng tôi hy vọng là năm nay đã đạt được mục tiêu của việc ra đề là phổ đầu vào của các trường rộng ra để thí sinh dễ chọn được ngành nghề phù hợp. Như vậy điểm sàn thí sinh trung bình đạt 3 môn khoảng 15-16. Tuy nhiên phải tới khi kết thúc đợt thi, có đủ thông số, thì mới quyết định được điều này.
10 năm mới dùng tới đề dự bị
Sau sự cố ký nhầm của giám thị trong đợt thi thứ nhất và nhầm mã đề xảy ra trong đợt thi thứ 2, xin Thứ trưởng cho biết bài học rút ra là gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc in nhầm mã đề là sai sót kỹ thuật, xảy ra ở một máy photocopy nào đó, cũng có thể do người sử dụng máy photocopy không thành thạo. Sự việc đã được xử lý kịp thời và không xảy ra hậu quả.
Còn sự cố ký nhầm không phải bây giờ mới có. Điều quan trọng là khi xảy ra thì xử lý như thế nào. Bởi hội đồng thi không có kinh nghiệm, lúng túng nên đã để việc nhỏ thành việc lớn. Tới đợt thi thứ 2, Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ đã có công điện yêu cầu các hội đồng tuyển sinh cần phải báo cáo các vấn đề nảy sinh chứ không được tự ý xử lý. Với một kỳ thi lớn như thế, sai sót là điều có thể xảy ra. Vấn đề là cần phải chuẩn bị chu đáo, lường hết các tình huống để giải quyết. Sự chuẩn bị đã phát huy tác dụng khi lần đầu tiên trong 10 năm qua, đề dự bị đã được sử dụng cho 3 thí sinh thi lại.
Ông có ý kiến gì trước hiện tượng đợt thi thứ 2 có nhiều thí sinh mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc vi phạm quy chế thi như vậy là sự việc đáng tiếc với thí sinh. Năm nay, các thí sinh đã được mở rộng cánh cửa vào ĐH bằng quy định được rút hồ sơ đăng ký các nguyện vọng. Nhưng các em đó đã không cố gắng mà vẫn cố tình vi phạm, tự làm mình mất đi cơ hội. Những lần thi sau các thí sinh phải tuyệt đối cẩn trọng chấp hành quy định.
Không tiết lộ để tránh tiêu cực
Xin Bộ cho biết vì sao năm nay có thêm quy định về việc cán bộ chấm thi không được tiết lộ thông tin bài làm của thí sinh?
Vụ phó Vụ Đại học Ngô Kim Khôi: Ở những kỳ thi trước đã có hiện tượng có cán bộ chấm thi tiết lộ thông tin về bài thi, gây ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Chúng tôi đã từng phải tiến hành tách cán bộ thư ký, cán bộ chấm thi vòng 1, cán bộ chấm thi vòng 2 để bảo đảm khách quan trong việc chấm thi. Năm nay, để tránh các hiện tượng tiêu cực trong quá trình chấm, Bộ đã đưa ra quy định nói trên.
Năm nay, Quy chế thi cho phép thí sinh được rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, 3 sau khi đã nộp. Xin ông giải đáp băn khoăn của nhiều thí sinh: Phiếu đăng ký đã rút lại sẽ được chỉnh sửa như thế nào trước khi nộp cho trường khác?
Vụ phó Vụ Đại học Ngô Kim Khôi: Trong các giải pháp kỹ thuật kèm theo việc rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2, 3, có thay đổi trong thiết kế phần mềm tuyển sinh. Theo đó, trong phiếu đăng ký nguyện vọng có thiết kế chỗ cho việc đăng ký nguyện vọng tiếp theo. Trong trường hợp thí sinh lại rút hồ sơ để đăng ký tiếp, chúng tôi có thiết kế một lá đơn kèm theo để thí sinh không phải tẩy xóa phiếu.
Xóa bỏ chỉ tiêu ngoài ngân sách
Từ đầu mùa tuyển sinh, Bộ đã đặt vấn đề phạt khấu trừ chỉ tiêu với các trường khi tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu ở một tỉ lệ nhất định. Vậy Bộ có xử lý các trường không tuyển đủ chỉ tiêu hay không?
Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính Nguyễn Văn Áng: Việc đặt ra quy định phạt không phải để các trường “sống chết” đạt mục tiêu, mà là để kiểm soát chất lượng các cơ sở đào tạo, vì quyền lợi của người học. Từ mấy năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh không còn là chỉ tiêu pháp lệnh, ở đây là Bộ và các trường cùng nhau xác định chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo của các trường. Vì vậy Bộ không đặt vấn đề phạt các trường không tuyển đủ chỉ tiêu đã định.
Xin Bộ GD-ĐT cho biết năm nay Bộ có giao chỉ tiêu ngoài ngân sách cho trường nào hay không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước kia Bộ GD-ĐT có giao chỉ tiêu ngoài ngân sách cho một số trường. Tuy nhiên, hiện nay, Quốc hội đã ra nghị quyết về việc học phí xây dựng trên cơ sở chất lượng đào tạo. Như vậy các trường có thể tự xây dựng phương án thu học phí cao nếu chứng minh được chất lượng đào tạo cao. Chủ trương của Bộ là xóa chỉ tiêu ngoài ngân sách theo hướng như thế. Hiện giờ Bộ chỉ cấp một chỉ tiêu chung cho các trường. Các trường căn cứ vào năng lực và chất lượng đào tạo mà xây dựng chi phí cho phù hợp.
Theo Quỳnh Phạm 
(HNM)

Bình luận (0)