Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Rộng mở cơ hội với những thí sinh trượt ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 đã khép lại nhưng cơ hội vẫn còn rộng mở đối với các thí sinh không may mắn có được một suất vào giảng đường đại học. Học nghề cũng là cách để tiến thân, lập nghiệp bền vững.

Hàng trăm nghìn chỉ tiêu TCCN, học nghề
Năm 2011, tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc TCCN trên toàn quốc vào khoảng 330.000. Hệ đào tạo nghề cũng tuyển 1.860.000 chỉ tiêu. Trong đó, bậc cao đẳng và trung cấp tuyển 420.000 chỉ tiêu; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng tuyển 1.440.000 học sinh. Học sinh tốt nghiệp hai hệ đào tạo này đều có thể liên thông lên bậc CĐ và ĐH.
Với 3 đến 4 đợt tuyển sinh trên năm, tất cả thí sinh không đậu ĐH, CĐ đều có cơ hội theo học ngành nghề mình yêu thích từ bậc trung cấp để sau đó liên thông lên bậc học cao hơn.
Tại TP.HCM, UBND thành phố đã phê duyệt tổng 9.970 chỉ tiêu tuyển sinh TCCN năm học 2011-2012 (đợt 2) cho các trường ĐH, CĐ, TCCN thuộc thành phố. Theo đó, có 3 trường chỉ tuyển sinh hệ chính quy là Trung học Công nghiệp với 1.130 chỉ tiêu, Trung cấp Nghiệp vụ du lịch và khách sạn Saigontourist (2.000 chỉ tiêu) và trường cán bộ  thành phố (240 chỉ tiêu).
Các trường tuyển sinh hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm gồm: Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp (1.000 chỉ tiêu), Trung cấp Xây dựng (1.000 chỉ tiêu), CĐ GTVT (800 chỉ tiêu), ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (600 chỉ tiêu), ĐH Sài Gòn (2.500 chỉ tiêu) và CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM (400 chỉ tiêu). Riêng CĐ Kinh tế TP.HCM bổ sung thêm 300 chỉ tiêu cả hệ chính quy lẫn hệ vừa học vừa làm.
Còn theo công bố mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện vẫn còn khoảng 15.000 chỉ tiêu học TCCN và 1.400 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm tại các trường TCCN trên địa bàn. Hạn nộp hồ sơ kéo dài đến hết tháng 12/2011.
Thêm nữa, hiện nhiều trường ĐH cũng công bố tuyển sinh hàng nghìn chỉ tiêu dạy nghề. Như trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, bậc TCCN và CĐ nghề đang nhận hồ sơ của thí sinh đến ngày 20/10 vào 15 ngành học.Nhà trường xét tuyển theo nhóm ngành, các ngành kỹ thuật xét điểm môn toán, lý; ngành hóa – thực phẩm môn toán, hóa; ngành kinh tế môn toán, văn. Thí sinh có tổng điểm hai môn xét tuyển từ 9 trở lên sẽ có cơ hội trúng tuyển rất cao.
Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM xét tuyển bậc TCCN vào 11 ngành. Nhà trường cũng đang nhận hồ sơ hệ CĐ thực hành với 15 ngành đào tạo, xét tuyển các thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Hạn nhận hồ sơ xét tuyển TCCN, CĐ thực hành đến hết ngày 30/10…
Năm 2011, tuyển sinh vào TCCN tiếp tục thực hiện hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh (trừ các ngành đào tạo năng khiếu) trên cơ sở căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2011 của thí sinh.
Với chính sách khuyến khích của Bộ GD&ĐT, rất nhiều trường TCCN tuyển sinh những học sinh chưa tốt nghiệp THPT. Khi được xét tuyển vào học TCCN, học sinh sẽ được chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện từ kết quả chung cả năm học lớp 12 và được miễn trừ không phải học lại, thi lại những môn văn hóa theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN mà học sinh đang theo học với điều kiện có điểm trung bình môn đạt từ 5,0 trở lên.
Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN sẽ nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự tuyển về trường đăng ký dự tuyển (qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên, hoặc đến nộp trực tiếp tại trường) và nhà trường sẽ gửi các giấy báo cần thiết cho thí sinh. Ngoài hồ sơ đăng ký dự tuyển TCCN do các Sở GD&ĐT phát hành theo mẫu thống nhất, thí sinh phải gửi các giấy tờ cần thiết khác (theo tiêu chí xét tuyển và các quy định liên quan của trường) về trường đăng ký dự tuyển.
Học nghề vẫn dễ có việc, thu nhập cao
Thực tế cho thấy, hiện nhu cầu lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp rất lớn nên những người học CĐ nghề hoặc TCCN cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp khá cao, nhiều nghề mức thu nhập khá hấp dẫn. Những nghề các doanh nghiệp trong nước hiện “khát” lao động có tay nghề như xây dựng, thợ hàn, điện cơ, điện tử và những nhân viên chuyên nghiệp cho ngành Du lịch – Nhà hàng – khách sạn.
Theo thống kê, những sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp xây dựng đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Còn theo ông Vũ Minh Nhiên – Trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng nghề Lilama 1 (Ninh Bình), học viên khoa Hàn ra trường bao giờ cũng có việc làm ngay với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng. Với những học sinh có chứng chỉ hàn 6G (hàn kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế) ra trường, lương ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu lao động tại Trung Đông cũng rất cần lao động nghề hàn và sẵn sàng trả mức lương trên 1.000 USD/tháng.
Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Hùng Vương (TP.HCM), ông Trần Văn Hải cho biết, 100% học sinh nghề cơ điện tử được doanh nghiệp đăng ký nhận khi đi thực tập. Có những học sinh ra trường mở công ty bảo trì máy móc doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng; còn nếu đi làm cho các doanh nghiệp không khó kiếm 4-5 triệu đồng/tháng.
Mới đây Bộ LĐTB&XH đã phê duyệt đề án phát triển các nghề trọng điểm và trường được lựa chọn đào tạo nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, 121 nghề được đầu tư đào tạo trọng điểm, trong đó có 26 nghề được đầu tư đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, 49 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN, 107 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia.
Các nghề được đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc gia có tới 50% thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản như: nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt; trồng rau; cạo mủ cao su, chế biến lương thực; sản xuất mây tre đan; gốm sứ xây dựng; vận hành máy nông nghiệp…
Ngoài các nghề trọng điểm, 200 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập trong cả nước cũng sẽ được hỗ trợ đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo Hiếu Nguyễn
(GD&TĐ)

Bình luận (0)