Lớp 2A, Trường Tiểu học Phú Định đang học tạm ở Nhà Văn hóa thôn 6 |
Mặc dù hầu hết các tiêu chí khác đều đã đạt nhưng vì thiếu phòng học, học sinh nhiều năm liền phải học nhờ, học tạm tại Nhà Văn hóa thôn nên Trường Tiểu học Phú Định (xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) không thể đạt chuẩn…
5 năm học nhờ Nhà Văn hóa
Năm học 2015-2016, toàn Trường Tiểu học Phú Định có tổng cộng 10 lớp học, trong đó 2 lớp phải đi học nhờ vì thiếu phòng học, gồm 1 lớp học tại Phòng hội đồng của trường, lớp còn lại học nhờ ở Nhà Văn hóa thôn. Theo quan sát của PV, lớp học tại Phòng hội đồng nhà trường là lớp 2B với tổng số 23 học sinh. Phòng khá chật và thiếu ánh sáng. Cách trường khoảng chừng 1 cây số, Nhà Văn hóa thôn 6, xã Phú Định cũng được dùng làm phòng học cho lớp 2A. Hiện Nhà Văn hóa này cũng đã xuống cấp, các thiết bị tối thiểu như khuôn viên, bàn ghế, ánh sáng, quạt không đáp ứng tốt cho nhu cầu học tập. Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết, tình trạng thiếu phòng học của Trường Tiểu học Phú Định đã tồn tại 5 năm nay. Nhà trường đã đề xuất với xã cho mượn 2 phòng cấp 4 của HTX Phú Định làm phòng học, nhưng qua một thời gian sử dụng thì nhà cấp 4 xuống cấp dột nát, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn học tập cho các cháu nên bắt đầu từ năm 2014-2015, trường mượn tạm Nhà Văn hóa thôn làm chỗ học tập. Cô Nguyễn Thị Lệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết: “Các em học sinh học nhờ Nhà Văn hóa thiệt thòi hơn nhiều so với các lớp được học ở trường. Đó là một số học sinh đi học xa nhà hơn, không có sân chơi, không được tham gia các hoạt động vui chơi, ngoại khóa như các bạn tại điểm trường chính. Bên cạnh đó, thời gian học của các em cũng khá bất tiện, nhất là những ngày có công việc của thôn thì cô trò không có chỗ dạy học, đành phải học bù vào ngày thứ bảy, chủ nhật”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Khánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Định cho biết, học sinh học tại Nhà Văn hóa thôn 6 chỉ những buổi chào cờ hoặc sinh hoạt trọng tâm, chủ đề chủ điểm thì mới được vào trường chính sinh hoạt tập thể, còn lại cô trò ở điểm biệt lập nên rất khó khăn trong việc quản lý dạy và học. Để học sinh bớt thiệt thòi, mỗi năm nhà trường luân phiên các lớp đến học tại Nhà Văn hóa.
Không đạt chuẩn vì thiếu phòng học
Học sinh học ở điểm trường mượn chịu nhiều thiệt thòi hơn ở trường chính |
Trường Tiểu học Phú Định được chia tách ra từ Trường Phổ thông cơ sở Phú Định năm 1995. Ngày đầu chia tách, trường còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng thầy cô và học sinh nhà trường đã cố gắng khắc phục, phấn đấu để thi đua dạy tốt, học tốt. Đến năm 2003, thầy cô và học sinh nhà trường vinh dự được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhưng đến năm 2014 trường bị rớt chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học và các phòng chức năng thiếu. Năm học 2015-2016, Trường Tiểu học Phú Định có tổng số 235 em học sinh, chia làm 5 khối, mỗi khối có 2 lớp. Mặc dù khuôn viên nhà trường rộng trên 10.000m2 thế nhưng chỉ có 1 dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học. Kế bên là khu hiệu bộ với một dãy nhà cấp 4 có 5 phòng chật hẹp được xây dựng từ năm 2001 đã xuống cấp. Để có phòng cho học sinh học, nhà trường đã khắc phục bằng cách gộp phòng Đoàn Đội chung với phòng vi tính; phòng thư viện, thiết bị thì gộp chung với bộ phận kế toán, phòng làm việc của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng cũng được gộp chung. Tại phòng vi tính, cả trường có 10 bộ vi tính dùng cho các em học sinh học tập nhưng chỉ có đủ chỗ cho 8 máy, còn 2 máy đành phải bỏ vào trong góc vì không có chỗ để. Đặc biệt, Phòng hội đồng đã nhường lại để làm lớp học, nên giờ nghỉ giao tiết, các thầy cô giáo phải đứng ở hành lang khu nhà hiệu bộ.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết: “Mặc dù tình trạng thiếu phòng học ở Trường Tiểu học Phú Định diễn ra nhiều năm nay nhưng là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách thu không đủ chi đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trường học và đường giao thông chủ yếu trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên nên còn rất hạn chế”. Trong khi nhà trường và chính quyền ở Phú Định đang loay hoay với bài toán tìm nguồn đầu tư cơ sở vật chất thì cô trò ở đây vẫn phải học nhờ Nhà Văn hóa thôn với muôn vàn thiếu thốn, thiệt thòi, nhất là mùa mưa đang đến.
V.Yên – T.Lương
Bình luận (0)