Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Rớt đại học quá khó, liệu cao đẳng có còn nguồn tuyển ?

Tạp Chí Giáo Dục

Với quy chế xét tuyển đại học kéo dài tới cuối tháng 9 như năm nay và “cơ hội”… rớt đại học là rất khó đối với các thí sinh có chiến lược rõ ràng, nhiều trường cao đẳng đang sốt ruột như ngồi trên đống lửa vì chờ tuyển sinh.

Đa số thí sinh còn… chờ kết quả đại học

Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng (CĐ) Bách khoa Sài Gòn, cho biết đến thời điểm này, trường mình mới tuyển được gần 50% chỉ tiêu mà tỷ lệ các thí sinh (TS) quan tâm chưa nhiều, đa số các em chờ kết quả đại học (ĐH). Trong khi thời điểm này năm trước, trường tuyển được nhiều hơn dù năm nào cũng vẫn gặp khó khăn.

Rớt đại học quá khó, liệu cao đẳng có còn nguồn tuyển ? - ảnh 1

Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp CĐ rất lớn nhưng TS vẫn có tâm lý thích học ĐH hơn. MỸ QUYÊN

Lý giải về nguyên nhân, tiến sĩ Phúc nhận định: “Năm nay thời gian tuyển sinh ĐH quá dài, TS thoải mái lựa chọn cho mình trường học phù hợp. Các em có tới 20 phương thức để xét tuyển vào ĐH, không trúng phương thức này thì cũng đậu phương thức kia. Chưa kể ở phương thức xét học bạ, nhiều trường lấy điểm chuẩn chỉ 18 điểm, gần như “vét” hết TS. Với mức điểm này, trượt ĐH quả là khó”.

Theo tiến sĩ Phúc, gần như năm nào các trường CĐ cũng hứng chịu tình cảnh “lọt sàng xuống nia”, nguồn tuyển hạn hẹp. Thậm chí tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, lo rằng với quy chế tuyển sinh ĐH năm nay thì không biết liệu có còn TS nào “lọt từ sàng xuống nia” hay không. “Tôi lo sau khi kết thúc tuyển sinh ĐH thì cũng không hy vọng còn nguồn tuyển. Qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, chúng ta thấy có sự chênh lệch lớn giữa điểm học bạ với điểm thi, theo đó điểm học bạ rất cao. Thời gian để kết thúc tuyển sinh ĐH lại kéo dài tới tận cuối tháng 9, các em đều chờ đợi sau đó mới nghĩ đến việc tìm con đường khác. Nhưng với nhiều phương thức như hiện nay, cách nào các em cũng đậu bằng một phương thức, không trường công thì trường tư, không ngành này thì ngành khác”, tiến sĩ Vân nhìn nhận.

Tiến sĩ Vân cho rằng chỉ có TS nào có hoàn cảnh khó khăn không đủ tài chính để học ĐH thì từ đầu mới xác định là đi học nghề, còn lại đều có tâm lý phải học ĐH, và cơ hội đậu thì quá lớn. Được biết đến thời điểm này Trường CĐ Công nghệ TP.HCM mới tuyển được 40% chỉ tiêu trong khi năm trước là đã đạt 70 – 80% chỉ tiêu.

Trường CĐ bị động

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, thông tin bên cạnh một số ngành “hot” thu hút TS như ô tô, công nghệ thông tin, đồ họa thì có một số ngành ở trường lượng TS nhập học chậm hơn so với năm trước vì thời gian xét tuyển ĐH kéo dài.

“Các em được quyền điều chỉnh nguyện vọng ĐH cho đến 23.8 mới kết thúc. Mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT các khối ở mức 18 – 23 trở lên chiếm đại đa số, đây cũng là mức điểm sàn mà các trường ĐH đưa ra. Vì thế TS vẫn luôn nghĩ và tin chắc mình sẽ đậu ĐH vì nhiều trường ĐH tốp dưới hằng năm vẫn lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Ngoài ra, điểm học bạ của các em cũng cao nên hầu như đậu hết. Cánh cửa ĐH quá rộng mở, mà tâm lý TS và cả phụ huynh đều muốn con em mình đậu ĐH. Điều đó là lý do khiến 3.000 TS đã đăng ký xét tuyển vào Trường CĐ Viễn Đông nhưng vẫn chưa làm thủ tục nhập học vì muốn chờ kết quả xét tuyển ĐH”.

Thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ: “Chỉ tiêu của trường 1.765 nhưng hiện tại mới tuyển được 50%. TS vẫn chờ xét tuyển vào ĐH chưa nộp hồ sơ vào trường hoặc đã nộp nhưng vẫn chưa xác nhận nhập học. Các trường CĐ vẫn phải chờ đợi TS đưa ra quyết định sau khi kết thúc tuyển sinh ĐH. Các em vẫn coi trọng việc học ĐH hơn mặc dù nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay đang rất cần nguồn nhân lực tốt nghiệp CĐ, đặc biệt các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, thương mại điện tử…”.

Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng, cho hay đến nay TS nhập học vào trường đạt khoảng 80% chỉ tiêu nhưng mới khoảng 70% đóng học phí. “Cũng nhiều năm rồi tuyển sinh CĐ gặp khó khăn vì các trường ĐH có nhiều phương thức tuyển, nhiều nguyện vọng… khiến nguồn tuyển rất hạn chế. Các trường CĐ cũng không thể tiếp cận dữ liệu của TS trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐH. Năm nay, nhiều trường CĐ sẽ càng khó khăn và bị động hơn khi đến giờ ĐH chưa kết thúc tuyển sinh”, thạc sĩ Tuấn chia sẻ.

Chính vì tình hình nói trên, dù rất muốn TS nhập học và bắt đầu chương trình trong thời điểm này nhưng nhiều trường CĐ đành phải chờ tiếp.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)