Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Rớt ĐH-CĐ: Vẫn còn nhiều cơ hội vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

Do chỉ tiêu có hạn nên chỉ khoảng 1/3 thí sinh (TS) dự thi ĐH trúng tuyển. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ đã kết thúc.
Không phải chỉ có ĐH, CĐ mới là lựa chọn duy nhất cho học sinh (HS) tốt nghiệp THPT. Chương trình liên thông từ bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và sắp tới đây từ trung cấp nghề sẽ mở ra nhiều cơ hội học lên cao.
Trường nghề: Khó tuyển học viên
Phỏng vấn ngẫu nhiên trên 50 TS dự thi ĐH vừa qua, chỉ có 2 người cho biết nếu không đậu ĐH thì sẽ chọn trường nghề. Còn lại đều khẳng định sẽ thi ĐH lần nữa, nếu vẫn không đậu sẽ chuyển sang học hệ tại chức, từ xa…
HS trường TC Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương trong giờ học thực hành 
Ảnh: Mỹ Quyên
Một giáo viên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương bức xúc: “Thật nghịch lý khi năng lực mỗi người khác nhau nhưng tại sao lại cứ phải thi vào ĐH”. Nhiều bậc phụ huynh cũng gây áp lực với con bằng tâm lý không đậu ĐH sẽ không kiếm được việc làm, phụ lòng mong mỏi của gia đình, họ hàng. Còn HS thì xem việc rớt ĐH là bước đường cùng.
Trong khi chỉ tiêu vào nhiều trường ĐH-CĐ giảm khiến cho nhiều trường, nhiều ngành có tỷ lệ “chọi” rất cao thì những năm qua các trường nghề không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Bà Diệp Thị Thùy Linh, cán bộ phụ trách tuyển sinh trường Trung cấp chuyên nghiệp Kinh tế – Kỹ thuật Vạn Tường cho biết 2 năm nay trường không tuyển đủ HS. Ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Du lịch Khôi Việt TP.HCM cũng cho hay trong vài năm gần đây, số HS theo học nghề giảm, nhất là ngành hướng dẫn viên du lịch gần như không có học viên vì họ có khuynh hướng học ngành này ở các trường ĐH-CĐ. Nhiều trường nghề khác có các ngành đào tạo như nông nghiệp, điện – điện lạnh, may công nghiệp… cũng thường xuyên không tuyển đủ học viên theo chỉ tiêu hằng năm.
Trong hoàn cảnh khó khăn này, một số trường nghề đã tìm mọi cách thu hút HS như gửi thông tin liên quan đến trường cho các HS phổ thông, gửi thẳng giấy báo nhập học cho HS lớp 12 trước khi diễn ra kỳ thi ĐH. Bà Thu Hà, cán bộ phụ trách tư vấn và tuyển sinh của trường Trung học Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết: “Bằng nhiều cách, chúng tôi gửi trước giấy báo nhập học cho các em HS hệ phổ thông, hệ giáo dục thường xuyên nhằm giới thiệu về trường và thu hút HS. Giấy báo nhập học không có nghĩa là bắt buộc các em phải theo học nhưng nó là giải pháp cuối cùng cho một lượng lớn TS không có khả năng học ngay ĐH-CĐ phải học con đường liên thông”.
Nhiều hướng liên thông
Các năm qua, nhiều trường ĐH và CĐ đã có chương trình liên thông từ bậc CĐ hoặc TCCN lên ĐH với thời gian đào tạo từ 1 năm rưỡi đến 4 năm. Chương trình này nhằm tạo cơ hội cho những HS có thể đi “đường vòng” để tốt nghiệp ĐH. Đối tượng tuyển sinh là những HS đã tốt nghiệp TCCN hệ chính quy có kinh nghiệm công tác chuyên ngành sau khi tốt nghiệp từ 2 năm trở lên, HS tốt nghiệp khá, giỏi được miễn quy định thời gian công tác và được cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển. Trong số các trường này, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và trường ĐH Hồng Bàng là 3 trường được đào tạo liên thông thẳng từ trình độ TCCN lên ĐH.
Đầu tháng 7, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH đã có dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Theo đó, những người có tốt nghiệp TC nghề và CĐ nghề cùng ngành đào tạo được dự thi tuyển sinh liên thông lên trình độ CĐ, ĐH với thời gian đào tạo từ 1 năm rưỡi đến 4 năm. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: “Đến nay lãnh đạo 2 Bộ đã đồng ý đưa dự thảo lên mạng của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội trong vòng 2 tháng. Với những ngành nghề kỹ thuật, HS sẽ được liên thông với các trường ĐH có đào tạo kỹ thuật như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật…”.
Tuyết Vân – Mỹ Quyên/ TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)