Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rớt lớp 10 công lập: Học sinh vẫn còn nhiều lối đi…

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên đang học nghề tại Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn
Năm học 2011-2012, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM là 38.305 học sinh (HS). Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh vừa qua có tới 41.500 thí sinh (TS) dự thi vào lớp 10 thường và 8.000 TS thi vào lớp 10 chuyên.
Kỳ thi kết thúc, nhiều TS mặt buồn rười rượi vì làm bài không tốt, còn tâm trạng của phụ huynh (PH) như đang ngồi trên lửa vì lo lắng, nếu rớt lớp 10 không biết con mình sẽ đi đâu, về đâu?
Rớt lớp 10… cánh cửa cuộc đời chưa khép lại
Đứng chờ con thi môn cuối cùng (ngày 22-6) ở Hội đồng thi Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), chị Nguyễn Thị Thu ở Q.3 phân vân: “Đề thi năm nay tương đối khó, hôm qua cả hai môn thi cháu nói phải ngồi cắn bút suy nghĩ vì ôn tập không kỹ. Môn cuối cùng mà làm bài không tốt nữa thì tôi không biết tính sao về “đường đi” tiếp theo của cháu”.
Không chỉ có chị Thu, nhiều PH khác cũng có chung tâm trạng như vậy khi họ nghe con em mình than không làm được bài, trong khi các giáo viên thì nhận định đề thi khó. Anh Lại Văn Hải (Q.Bình Thạnh) buồn rầu: “Mấy ngày nay, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên vì biết chắc cơ hội vào lớp 10 công lập của con là không nhiều. Biết sức học con mình chưa tốt, chúng tôi đã lựa chọn rất kỹ để đăng ký nguyện vọng 1 cho cháu vào Trường THPT Hoàng Hoa Thám, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Thanh Đa và nguyện vọng 3 hơi xa nhà một chút là Trường THPT Hàn Thuyên. Tuy nhiên, khi cháu về so sánh kết quả bài làm của mình với đáp án thì hầu hết đều dưới điểm trung bình, chỉ có môn văn hy vọng được trên điểm 6. Chúng tôi e rằng cháu sẽ rớt trong kỳ thi này. Thu nhập của hai vợ chồng chẳng bao nhiêu mà phải nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, nếu cháu vào học trường ngoài công lập thì chắc chắn chúng tôi không đủ khả năng chi trả học phí. Bây giờ chúng tôi không biết phải tính sao?”.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi năm nay tuy khó nhưng “cửa” vào lớp 10 của HS vẫn rộng mở. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm nay TP.HCM có hơn 1.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng nên chắc chắn rằng “cửa” vào lớp 10 sẽ rộng hơn năm trước. “Nếu như năm học trước có tới 20.000 HS không được vào lớp 10 công lập thì năm nay số lượng này giảm xuống còn khoảng 9.000 HS. Bên cạnh đó, hệ thống các trường nghề vẫn đang rộng cửa đón HS vào học nên PH không nên lo lắng quá nhiều” ông Chương trấn an.
Còn nhiều cơ hội cho HS

Học viên Trường CĐ Nghề Cao Thắng (TP.HCM) đang thực hành môn điện. Ảnh: V.Mạnh
Sự lo lắng của PH trước viễn cảnh con em mình không được vào học trường công lập là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, rớt lớp 10 công lập chưa phải là “ngõ cụt”, khép lại cánh cửa vào đời của HS. Hiện nay, ngoài hệ thống các trường dân lập, tư thục vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường nghề đang chờ đón học viên.
Thầy Nguyễn Thâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh), chia sẻ: “Hầu hết các em HS có học lực trung bình, yếu của trường đều đã được tư vấn kỹ các con đường sau THCS. Vì thế, các em hiểu rằng, nếu thi vào lớp 10 công lập không đậu thì vẫn còn rất nhiều cơ hội khác đang chờ đón mình. Đến với các trường nghề, HS không chỉ được học nghề mà còn được tiếp tục học văn hóa để sau này thi tốt nghiệp THPT. Nếu học tốt các em có thể học liên thông lên ĐH, CĐ”.
Một trong những thuận lợi mà HS muốn đăng ký vào các trường nghề, theo ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tổng hợp tư vấn hướng nghiệp Q.Bình Tân, chính là “Tất cả các trường TCCN hiện nay đều không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển học bạ. Vì thế, tất cả HS lớp 9 có bằng tốt nghiệp THCS đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Ngoài ra, một số trường nghề ở một số quận, huyện còn hỗ trợ một phần học phí hoặc cho học viên vay tiền để trang trải việc học. Đặc biệt, một số nơi còn cam kết ra trường sẽ đảm bảo cho học viên có chỗ làm với thu nhập ổn định”.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhắn nhủ: “Học ở trường nghề, PH không phải lo cho con em đi lại xa xôi, bởi hiện nay hầu hết các quận huyện tại TP.HCM đều đã có trường TCCN. Còn một vài quận, huyện chưa có trường TCCN thì nhiều trường ở địa bàn khác cũng đã xây dựng ký túc xá để các em học viên ở xa lưu trú”.
Có thể nói, với những điều kiện thuận lợi này, HS có thể yên tâm chọn trường nghề để bước tiếp vào con đường tương lai, nếu chẳng may không đậu vào lớp 10.
Bài, ảnh: Dương Bình

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghe (Bộ LĐ-TB-XH), tỉ lệ học viên tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, CĐ nghề có việc làm ngay sau khi ra trường đạt 75%. Trong đó có một số nghề đạt tỉ lệ trên dưới 90% như: nghề hàn (92,5%), lắp đặt ống công nghệ (92%), công nghệ ô tô (90,1%), điện công nghiệp (87,38%)…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)