Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rớt lớp 10, vẫn có nhiều chỗ học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tiếp tục học THPT sau khi tốt nghiệp THCS là lộ trình bình thường của học sinh. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, học sinh không nên lãng phí thời gian, tiền của để theo học bằng mọi giá.
Giờ học hướng nghiệp dành cho học sinh lớp 9 Trường THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: H.HG.
"Hướng nghiệp cho HS không khó nhưng khó nhất là phụ huynh. Nhiều người vẫn có quan niệm học nghề là thấp kém, môi trường nghề dễ hư hỏng… Tôi từng bị một phụ huynh la lối và bắt đền: tại cô dụ dỗ con tôi nên nó không đăng ký dự thi lớp 10"
GV Hoàng Thị Xuân Lan (Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp Q.Tân Phú)
Tiết học cuối cùng môn hướng nghiệp (năm học 2009-2010) ở lớp 9/4 Trường THCS Ðặng Trần Côn, Q.Tân Phú, TP.HCM có chủ đề "Những hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS". Cô giáo hỏi học sinh (HS): "Lớp mình có bạn nào không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập không?". Hỏi đến lần thứ hai thì có ba cánh tay rụt rè đưa lên. "Thế các bạn sẽ chọn con đường học vấn nào?".
Câu trả lời giống nhau: "Em chọn phân luồng vào trung cấp chuyên nghiệp". "Hôm nay cô sẽ giới thiệu kỹ hơn với các bạn rằng không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 hoặc thi rớt lớp 10 vẫn có thể tiếp tục học bằng nhiều con đường khác nhau" – cô giáo mở đầu.
Tiết học cần thiết 
"Sau lớp 9, nếu học THPT rồi đại học, tổng cộng các em sẽ mất mấy năm?" – Cả lớp đồng thanh: "Dạ, bảy năm". "Cô sẽ chỉ cho các em con đường khác để lấy bằng tốt nghiệp đại học".
Cả lớp đang xôn xao chợt im phăng phắc, chăm chú. "Này nhé, hệ trung cấp chuyên nghiệp không tổ chức thi tuyển như trường THPT công lập. Các em chỉ cần nộp hồ sơ là được xét tuyển vào học, sau 3,5-4 năm, khi ra trường tấm bằng trung cấp chuyên nghiệp sẽ giúp các em đi làm ngay hoặc học liên thông lên cao đẳng thêm một năm rưỡi. Tốt nghiệp cao đẳng nếu chưa muốn đi làm các em có thể học liên thông lên đại học thêm hai năm nữa. Ðó là chưa kể những em gia đình khó khăn, học xong trung cấp đi làm vài năm để có tiền phụ giúp gia đình rồi học tiếp liên thông cũng không muộn. Bây giờ cô sẽ kể cho các em nghe về những gương thành đạt từ trường nghề…".
Tiết học trôi đi một cách nhanh chóng và kết thúc bằng lời hứa của cô giáo: "Ngoài ba em không thi lớp 10, sau khi có kết quả thi, những em bị rớt lớp 10 hãy quay lại trường gặp cô, cô sẽ hướng dẫn, tư vấn cụ thể cho từng em".
Tuyển sinh phân luồng học sinh THCS
Phân hiệu bổ túc văn hóa (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) phối hợp cùng phòng GD-ĐT các quận 5, 11, Tân Phú, Tân Bình vừa tổ chức tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Theo đó, học sinh sẽ học trong bốn năm, mỗi năm ba học kỳ.
Trong đó có hai học kỳ học văn hóa và một học kỳ học chương trình TCCN. Năm thứ tư, học sinh sẽ học toàn bộ chương trình TCCN. Tốt nghiệp chương trình này học sinh có thể liên thông lên bậc CĐ, ĐH.
M.G.

Theo ông Luyện Sĩ Ninh – phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp Q.Tân Phú (TP.HCM), quận đã thực hiện chương trình phân luồng học sinh sau THCS cách đây năm năm khi nhận thấy số HS thi rớt lớp 10 quá cao. Mới đầu môn hướng nghiệp được đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa ngay từ đầu năm lớp 9 một tiết/tuần. Hai năm trở lại đây, để dành thời gian cho HS học các môn khác nên hướng nghiệp rút ngắn lại, chỉ dạy từ học kỳ 2 của năm lớp 9.

Mời gọi và ưu đãi
"Do mỗi quận, huyện có đặc thù khác nhau nên trung tâm chúng tôi tự biên soạn chương trình giảng dạy theo các chủ đề: Nguyên tắc chọn nghề, Ý nghĩa nghề nghiệp, Tìm hiểu năng lực bản thân… Mặc dù dạy trong chương trình chính khóa nhưng không lấy điểm, không trả bài, không kiểm tra nên khá nhẹ nhàng và cuốn hút học sinh.
Hai năm gần đây, Q.Tân Phú đã có nhiều HS không dự thi vào lớp 10 để học nghề chứ không đợi rớt lớp 10 mới quyết định" – cô Hoàng Thị Xuân Lan, giáo viên trung tâm, cho biết. Hiện Q.Tân Phú được xem là đơn vị làm công tác phân luồng HS sau THCS bài bản và hiệu quả nhất TP.HCM, với tỉ lệ HS vào trung cấp chuyên nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2009 là 659 em, đạt 17,91% số HS tốt nghiệp THCS.
Tương tự, theo số liệu từ UBND Q.6, TP.HCM năm 2009, quận đã phân luồng được 245 HS vào học trung cấp chuyên nghiệp (trong số 437 HS rớt và không thi lớp 10). Ngoài việc tư vấn, cho HS đi tham quan trường nghề, quận còn trợ cấp học phí cho HS nghèo.
Ðến nay, TP.HCM đã có khá nhiều quận, huyện trợ cấp học phí cho HS nghèo đi học nghề như: Q.Phú Nhuận, Q.6, Q.8… Thậm chí nhiều địa phương khác đã thực hiện chính sách đóng học phí cho tất cả HS đã tốt nghiệp THCS và đồng ý đi học nghề (không phân biệt giàu nghèo) như: Nhà Bè, Bình Chánh (tài trợ 100% học phí), Bình Tân (tài trợ 600.000 đồng/năm)…
HOÀNG HƯƠNG / Tuoi Tre

Cần cân nhắc kỹ
Ông Hồ Đắc Anh – hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản – tính toán: “Giả sử 100 HS tốt nghiệp THCS có 80 em vào lớp 10 phổ thông (tỉ lệ vào lớp 10 phổ thông những năm gần đây ở TP.HCM khoảng 80% – PV). Nếu tất cả tốt nghiệp THPT và khoảng 36 em đậu đại học thì vẫn còn 44 em vào đời không có trình độ kỹ thuật tay nghề hoặc lại phải vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.
Tạm tính với mức đầu tư thấp nhất cho mỗi học sinh trong ba năm học THPT là 3 triệu đồng, cộng với 12 triệu đồng/học sinh của phụ huynh, chúng ta đã để lãng phí 1.980 triệu đồng cho 44 HS”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)