Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rớt tú tài hay đại học: Vẫn có hàng chục ngàn chỗ để học

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành

“Năm 2009 tại TP.HCM có khoảng 74.000 học sinh tốt nghiệp THCS và hơn 60.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó số trường THPT, TT GDTX chỉ đáp ứng được 57.000 học sinh vào học; còn các trường ĐH, CĐ đáp ứng được hơn 20% số học sinh tốt nghiệp THPT thi đại học. Vậy số học sinh còn lại sẽ đi đâu? về đâu? Tôi khẳng định có một con đường luôn rộng mở và sẵn sàng đón nhận các em vào học là ở các trường nghề”. Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM khẳng định như vậy.
PV: Hiện nay, TP.HCM có bao nhiêu trường TC, CĐ nghề? Chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2009 là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Thành Hiệp: Hiện TP.HCM có 9 trường CĐ nghề và 22 trường TC nghề. Ngoài ra còn khoảng 30 trường ĐH, CĐ, TC chuyên nghiệp có dạy nghề ở các trình độ: CĐ nghề, TC nghề và sơ cấp nghề.
Năm 2009, TP.HCM dự kiến tuyển sinh khoảng 12.000 SV CĐ nghề, 30.000 học viên (HV) TC nghề và 310.000 HV sơ cấp nghề.
Điều kiện đầu vào của hệ TC nghề, CĐ nghề vẫn áp dụng hình thức xét tuyển như những năm trước hay có gì thay đổi?
– Đối tượng xét tuyển rộng rãi và theo quy định tuyển sinh của Bộ LĐ-TB-XH. Cụ thể: Trình độ TC nghề tuyển 2 hệ: HS đã tốt nghiệp THCS (vào học 3 năm học) và HS tốt nghiệp THPT (học từ 1 đến 2 năm học). Trình độ CĐ nghề tuyển HS tốt nghiệp THPT và HS tốt nghiệp TC nghề cùng ngành nghề đào tạo. Nói cụ thể hơn là học sinh đậu hay rớt tú tài đều đủ điều kiện vào học các trường nghề tương thích.
Năm 2008 có nhiều trường ngại nhận học sinh THCS, chưa tốt nghiệp THPT nếu có thì rất hạn chế và chủ yếu là những ngành có ít người đăng ký học?
– Vì trình độ và số lượng HS các nghề khác nhau là không đồng đều nên các trường rất vất vả trong sắp xếp và tổ chức đào tạo. Tuy nhiên Sở LĐ-TB-XH vẫn yêu cầu các trường phải tiếp tục tuyển hệ này để tạo điều kiện cho những HS theo học. Điều cơ bản là các em phải cố gắng rất nhiều để đảm bảo chất lượng và kết quả học tập, khả năng làm việc cũng như khả năng học tiếp sau này.
Nhiều học sinh chê trường nghề vì học ở đó là ngõ cụt, không có cơ hội học cao hơn nữa… nên họ suốt đời chỉ làm thợ. Có đúng vậy không thưa ông?
– Theo luật hiện hành thì người tốt nghiệp các trình độ TC nghề và CĐ nghề đều có cơ hội học tiếp (liên thông) lên trình độ cao hơn, trong đó có trình độ ĐH. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH quy định việc thực hiện liên thông giữa trình độ TC nghề, CĐ nghề với trình độ ĐH cùng ngành nghề đào tạo. Nhu cầu học tập suốt đời là nhu cầu chính đáng của công dân và là xu thế thế giới chứ không của riêng gì ở Việt Nam.
Hiện nay HV học nghề có được ưu đãi gì không? HV có hộ khẩu ở tỉnh thì được hỗ trợ những gì?
– Học nghề các em được hưởng rất nhiều ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước. Học bổng khuyến khích học nghề: dành cho SV CĐ nghề và HV TC nghề theo học hệ chính quy tại các trường CĐ nghề, TC nghề công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài: SV, HV xếp loại khá, giỏi, xuất sắc trở lên đều nhận được học bổng tùy vào năng lực học tập mà giá trị học bổng khác nhau. Các mức này do hiệu trưởng các trường quy định.
Về miễn, giảm học phí: Đối tượng giảm là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh loại B và các con của họ theo học hệ chính quy từ 1 năm trở lên; học liên thông từ TC lên CĐ, CĐ lên ĐH. Cụ thể đối với các cơ sở công lập SV, HV được miễn học phí; đối với các cơ sở ngoài công lập hỗ trợ theo mức 200 ngàn đồng/ tháng; trợ cấp hàng tháng từ 180 – 355 ngàn đồng tùy theo đối tượng và mỗi năm SV, HV được trợ cấp một lần 300 ngàn đồng (mua sách vở, quần áo). Tiền hỗ trợ này do Phòng LĐ-TB-XH, nơi ở quản lý và chi trả.
Ngoài ra, Báo Giáo Dục TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ cũng tổ chức tặng hàng trăm học bổng dành cho các HV học nghề tại TP.HCM.
Nếu bạn ở tỉnh mà học tại các cơ sở tại TP.HCM thì vẫn được hưởng theo quy định.
Xin cảm ơn ông!
Văn Mạnh (thực hiện)

Bình luận (0)