Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Rowing Việt Nam: Cần một cuộc tái thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Từng là một trong những điển hình thành công  chiến lược “đi tắt, đón đầu” của thể thao Việt Nam từ gần chục năm trước, tuy nhiên, sau dấu ấn tại SEA Games 22 (3 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ) và 1 tấm vé trực tiếp tham dự Olympic Athens 2004, hầu như rowing không còn để lại ấn tượng nào đáng kể, thậm chí đang có dấu hiệu đi xuống về thành tích.

Sau gần 1 thập kỷ du nhập, quả thật, đã đến lúc rowing cần có định hướng phát triển quy củ, dài hơi hơn nữa, nếu như Việt Nam muốn tiếp tục giành được thành công  ở môn thể thao Olympic này

Rowing Việt Nam phải thực hiện một cuộc tái thiết để vươn tới những thành tích cao hơn

Thấy gì từ thất bại tại ASIAD 15 và SEA Games 24?

Sự có mặt của chuyên gia Mikhail Rozhkov (người từng nhận được danh hiệu HLV Công huân của Liên Xô cũ) trên cương vị “thuyền trưởng” của ĐTQG rowing vào đầu năm 2006, đã thổi bùng những hi vọng “vượt biển” của các tay chèo Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả giành được có phần ngược lại. Rowing Việt Nam trắng tay tại ASIAD 15 và thiếu chút nữa hụt chỉ tiêu tại SEA Games 24 (nếu Thanh Bình/ Đình Huy không mang về tấm HCV ngoài dự kiến). Đáng lo ngại nhất, 2 nội dung được coi là thế mạnh (thuyền 4 nữ, thuyền 4 nam) được đặt nhiều hi vọng gây bất ngờ đã không  thành hiện thực và thua kém đối thủ ngay từ Đông Nam Á (đội nam giành HCB, đội nữ giành HCĐ SEA Games 24). Vì thế, đến cuộc đua tại vòng loại Olympic 2008,  thêm 1 lần thất bại và rowing Việt Nam vắng mặt tại Bắc Kinh như một hệ quả tất yếu sau những tính toán sai lầm. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất của thất bại, đó là sự thiếu phù hợp trong phương pháp huấn luyện (chuyên về thể lực) của chuyên gia Rozhkov với thể trạng và khả năng đáp ứng của các tay chèo Việt Nam. Ngoài ra, việc tính toán và tập trung nhiều cho 2 nội dung mới, trong khi bỏ qua những thế mạnh trước đây, khiến rowing Việt Nam không giành được thành công mới, mà còn đánh mất cả những gì đã giành được.

Tái thiết từ phong trào

Không ít khó khăn đang đón đợi các nhà chuyên môn trong việc đi tìm lại những gì đã mất và đã đến lúc rowing Việt Nam phải thực hiện một cuộc tái thiết để vươn tới những thành tích cao hơn. Sự yếu kém trong việc phát triển phong trào dẫn đến tình trạng khan hiếm tài năng. Theo thống kê, hiện cả nước có 9 địa phương (với khoảng trên 100 tay chèo) có lực lượng ở môn này và số lượng hầu như không mấy biến động so với gần 10 năm trước, kể từ khi rowing chính thức du nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, điều đáng buồn hơn cả là việc tập luyện  chỉ diễn ra tại 2 điểm Hà Nội, Thanh Hoá trên phạm vi cả nước. Vì lý do khách quan (không có hồ với chiều dài 2km) và phải đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém (mua thuyền, mua trang thiết bị), phần lớn các đoàn đều phải “bám” Hà Nội cả về cơ sở vật chất, lẫn môi trường tập luyện trong nhiều năm qua, khiến cho việc nhân rộng rowing đứng trước muôn vàn khó khăn. Hệ quả tất yếu của điều này là ĐTQG thường xuyên đối mặt với nỗi lo nhân sự và đi kèm là chất lượng các tay chèo đang ngày một giảm sút.

Thách thức đang rất nhiều ở phía trước nhưng nếu nhìn vào thành công của Thanh Hoá – địa phương này đã mạnh dạn tách khỏi Hà Nội (đưa quân về tập tại Thanh Hoá) và giành được 2 HCV tại giải VĐQG, thì có lẽ, việc tìm đáp án cho câu hỏi phát triển phong trào sẽ không  quá khó khăn.          

Vũ Lê (theo thethaovietnam)

Bình luận (0)