Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển (di chuyển trứng rùa từ Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về cho ấp nở tại Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam.
Rùa con nở ở Cù Lao Chàm |
Thành công bất ngờ
Ngày 10-9-2017, là một ngày đáng nhớ với cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP.Hội An), người dân xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm khi họ tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm chú rùa biển bé tí được thả xuống biển Cù Lao Chàm, với mục đích bảo tồn giống rùa biển quý hiếm. Để bảo tồn rùa biển quý hiếm nằm trong danh sách cần được bảo vệ nghiêm ngặt của thế giới và đứng trước nguy cơ rùa biển không trở về sinh sản ở Cù Lao Chàm như trước đây, Bộ NN-PTNT đồng ý chủ trương để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng tỉnh Quảng Nam 900 quả trứng rùa biển 40 ngày tuổi. Vào cuối tháng 8-2017, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã vào Côn Đảo vận chuyển trứng về bãi Bấc (Cù Lao Chàm) để ấp tự nhiên.
Tiếp nhập 450 trứng rùa biển tại đảo Bảy Cạnh, Côn Đảo |
Di dời rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm |
“Kết quả này hết sức khả quan. Vì đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển (di chuyển trứng rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, cả 1.000 km bằng đường hàng không, đường bộ rồi đường biển) nên anh em rất lo, chưa biết sẽ thành công tới đâu” – ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói. Cũng theo ông Hùng, việc bảo tồn nguyên vị (bảo tồn tại chỗ) và bảo tồn chuyển vị rùa biển sẽ được triển khai song song, nhưng không thể vội vã. Nếu thành công sẽ làm phong phú về đa dạng sinh học, vừa tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị cao về kinh tế và văn hóa ở Cù Lao Chàm nói riêng và Hội An nói chung. “TP.Hội An sẽ tập trung truyền thông, vận động người dân, điều chỉnh quy hoạch vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân… để chuyển vùng khai thác thủy sản, khoanh vùng cấm để tạo sinh cảnh thuận lợi cho rùa biển sinh ra tại Cù Lao Chàm rồi quay về đẻ trứng tại Cù Lao Chàm theo quy luật tự nhiên”.
Mong ngày rùa biển quay về
Đưa trứng rùa vào trung tâm ấp trứng rùa biển tại Cù Lao Chàm |
Thả rùa về biển |
Trước đây, tại Cù Lao Chàm có 9 bãi cát, là các bãi sinh sản của rùa biển. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua những bãi cát này được người dân địa phương sử dụng làm nơi khai thác, chế biến thủy hải sản và phục vụ du lịch, nên rùa biển không còn chỗ để lên bờ sinh sản. Điển hình, trong ngày 4-9-2017, anh Đinh Minh Đạo, hướng dẫn viên tour lặn biển Cù Lao Chàm khi đưa đoàn khách lặn biển ngắm san hô tại khu vực Hòn Dài (Cù Lao Chàm) phát hiện một ổ trứng rùa khoảng 30 trứng nằm dưới biển ở độ sâu 10m. Đến ngày 7-9, anh Đạo tiếp tục dẫn đoàn khách đến Hòn Dài lặn ngắm san hô và thấy ổ trứng vẫn còn nguyên nên vớt lên bờ bàn giao số trứng rùa cho Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa về bãi ấp, theo dõi. “Đây là hiện tượng rất hiếm và lạ trên thế giới”, chuyên gia về rùa biển Lê Xuân Ái nói về hiện tượng rùa đẻ “rơi” trứng dưới nước chứ không lên bờ “vượt cạn” theo quy luật tự nhiên và khẳng định: “Hiện tượng rùa đẻ dưới nước đã cho thấy rùa biển Cù Lao Chàm không còn bãi để sinh đẻ như trước”. Khu vực bãi Bấc, là khu vực mà rùa biển thường xuyên về sinh đẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, rất hiếm khi rùa biển trở lại sinh sản như trước đây và các chuyên gia lo ngại rùa biển đã bỏ Cù Lao Chàm.
Chính vì vậy, việc nhận trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tự nhiên ở Cù Lao Chàm, rồi thả rùa xuống biển với hy vọng số rùa được nở tại Cù Lao Chàm khi trưởng thành sẽ quay trở lại nơi này sinh sản, duy trì nòi giống.
Điền Gia
Bình luận (0)