Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rửa tay để phòng tránh bệnh cúm A/H1N1 năm 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Trước nguy cơ bùng phát của đại dịch cúm A/H1N1, tuần qua, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM đã tổ chức chuyên đề “Nhận biết & phòng ngừa lây nhiễm cúm A/H1N1”. Cũng tại TP.HCM, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức hội thảo về vấn đề này. Tại đây, các bác sĩ đã khuyến cáo rửa tay là cách phòng ngừa cúm A/H1N1 hiệu quả nhưng lại ít tốn kém nhất.
Vaccine không phải là cách phòng bệnh duy nhất
Theo WHO thì hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng virus cúm A/H1N1. Bởi để sản xuất ra một loại vaccine mới cần từ 5 – 6 tháng. Tuy nhiên, vaccine không phải là biện pháp duy nhất bảo vệ con người trước đại dịch cúm. Ngoài ra vẫn còn nhiều cách bảo vệ khác như thuốc kháng virus, cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân…
Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Các thuốc kháng virus có thể giảm được các triệu chứng, thời gian mắc bệnh, cũng có thể phòng ngừa bệnh trở nặng và tử vong. Có hai loại thuốc kháng virus đối với cúm là chất kiềm chế neuraminidase (như oseltamivir và zanamivir) và adamantanes (như amantadine và rimantatdine). Các xét nghiệm trên virus lấy được từ bệnh nhân ở Mexico và Mỹ đã chỉ ra rằng những virus H1N1 mới hiện nay là rất nhạy cảm đối với các chất kiềm chế neuraminidese”. Theo đó, TS-BS Trần Tịnh Hiền – Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhiệt Đới (TP.HCM) cho rằng: “Hiện nay có hai loại thuốc để điều trị virus cúm A nói chung là Oseltaminvir (Tamiflu) và Zanmiver (Relenza). Thuốc Tamiflu là thuốc uống, còn Relenza là thuốc hít. Để có hiệu quả cần điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi có triệu chứng”…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tự bảo vệ mình, người dân hãy: thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch một cách kỹ lưỡng. Một nghiên cứu mới đây của WHO cho thấy, tỷ lệ rửa tay của người Việt Nam quá thấp, chỉ có 17%. Ngoài ra phải tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị sốt, ho. Nếu trong gia đình có người bệnh thì cố gắng dành cho họ một khu vực riêng trong nhà, hoặc ít nhất phải để người bệnh cách xa những người khác 2 mét. Mỗi người dân hãy giữ vệ sinh môi trường bằng cách sử dụng các chất tẩy rửa, vệ sinh cá nhân. Mặt khác, nên tập cho mình thói quen ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và tập thể dục…
Khi nào thì nghi ngờ bị nhiễm cúm A/H1N1?
Thống kê của WHO cho thấy, hầu hết các ca nhiễm cúm A/H1N1 được xác nhận ngoài Mexico được báo cáo là nhẹ, chỉ có một số ca nhập viện và có rất nhiều người đã tự khỏi bệnh mà không cần điều trị thuốc kháng virus. Đặc biệt, phần lớn các ca đã xác định hoặc nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 bên ngoài Mexico đều đã từng tới Mexico tháng trước.
Do vậy, “Khi bạn có các triệu chứng của bệnh cúm như sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi, khó chịu, đau đầu, đau khớp… nhưng chưa ra khỏi nước Việt Nam, chưa tiếp xúc với bất kỳ một người nào đã từng tới quốc gia có dịch thì có đến 99,99% không phải là cúm A/H1N1”, đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.
Tuy nhiên, “Những người sống trong vùng có dịch hay đã đến vùng có dịch cúm A/H1N1 đang lưu hành, trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức mình, sổ mũi cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm virus cúm này hay không. Do tình hình cúm trên thế giới diễn biến rất nhanh nên cần cập nhật danh sách các nước có bệnh cúm A/H1N1 mới. Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày là phải đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn”, TS-BS Trần Tịnh Hiền lưu ý.
Khi bạn nghi ngờ bị cúm thì nên ở nhà, khi ho hay hắt hơi cần che miệng và mũi để tránh lây lan ra cộng đồng. Chỉ quay trở lại nơi làm việc hay trường học sau hai ngày từ khi các triệu chứng đã giảm bớt. Đến BV ngay khi có các triệu chứng nặng như thở nhanh (trên 30 lần/phút), có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngột thở, tím môi, lơ mơ…
Kim Anh

Bình luận (0)