Hằng năm, tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra luôn là con số làm đau đầu các nhà chức trách. Nguyên nhân là do ở nhiều nơi trên thế giới, người dân vẫn chưa được tiếp cận những điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ có 58% dân số thế giới tiếp cận được các công trình vệ sinh, trong số 2,6 tỉ người vẫn đang phải sống trong tình trạng không vệ sinh thì gần một nửa là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, có tới hơn 80% các bệnh có liên quan đến vệ sinh và nguồn nước, chủ yếu là tiêu chảy, thương hàn, giun sán, viêm gan, với nguyên nhân chủ yếu do nhiễm bẩn từ các chất hữu cơ và vi sinh vật, qua đó tác động trực tiếp đến sức khỏe con người đặc biệt là người già và trẻ em.
Với những con số thống kê ở trên, việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm sẽ là “bài toán khó” cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới thì chỉ với một thói quen đơn giản là rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn đã làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy; đồng thời giúp phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp như tả, cúm A (H5N1, H1N1)… đặc biệt là bệnh chân tay miệng.
Nhắc đến rửa tay bằng xà phòng, ai cũng nghĩ rửa thế nào cũng được, chỉ cần xát xà phòng vào tay rửa qua nước là xong, mà không chú ý mấy tới mu bàn tay, các kẽ tay, kẽ móng tay, nơi thường tập trung nhiều mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Chưa kể, rửa xong nhiều người còn lau khô bằng bất cứ vật gì trong tầm tay mà không để ý chiếc khăn, giấy lau… đó có đủ sạch không. Và như vậy, việc rửa tay bằng xà phòng chưa hẳn mang lại hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh như mong đợi.
Vậy rửa tay thế nào mới đúng cách?
Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế tổ chức Y tế thế giới, công thức 6 bước rửa tay đơn giản dưới đây sẽ giúp diệt sạch khuẩn trên da:
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước. Mỗi lần rửa tay bằng xà phòng, nhất thiết cần tuân thủ đầy đủ trình tự 6 bước như trên mới có thể đảm bảo tiêu diệt tối đa vi khuẩn, giảm xuống tối thiểu khả năng mắc bệnh và lây lan bệnh tật qua những bàn tay bẩn.
Khi tuân thủ đúng các bước này và rửa tay nhiều lần trong ngày với xà phòng diệt khuẩn chất ượng cao, dịch bệnh lây truyền sẽ không còn là nỗi lo nữa.
Mới đây, Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết 5 năm, 2007-2011, hợp tác thực hiện dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường” với những kết quả thiết thực như tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh từ 27,5% lên 69,7% tại các nơi triển khai dự án thông qua công tác tuyên truyền vận động và hỗ trợ xây dựng, cải tạo một số công trình vệ sinh tại hộ gia đình và các nơi công cộng, góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng; cảnh quan môi trường tại các vùng triển khai Dự án đã được cải thiện đáng kể.
Tiếp nối thành công của dự án này, từ năm 2011, Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy triển khai dự án “Cùng rửa tay với xà phòng, nâng cao sức khỏe bản làng” nhằm nâng cao nhận thức tiến đến thay đổi hành vi của người dân về vệ sinh cá nhân, cụ thể là rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh, cải thiện điều kiện dinh dưỡng của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em nông thôn những điều kiện phát triển toàn diện.
Với những nỗ lực từ các nhà chức trách cũng như ý thức ngày càng cao về việc phòng chống bệnh của người dân, trong tương lai không xa, tỷ lệ thương vong “vì thiếu hiểu biết” chắc sẽ không còn nhiều.
Theo TNO
Bình luận (0)