Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rục rịch “chạy trường”…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đông đảo phụ huynh nộp hồ sơ nhập học (năm học 2008 – 2009) cho con tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11

Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa các quận, huyện mới có kế hoạch tuyển sinh nhưng không ít phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đã bắt đầu tìm mối này, mối nọ để kiếm cho con một chỗ học ở trường mà họ cho là “chất lượng cao”. Và nạn “chạy trường” hiện nay tại TP.HCM đang dần sôi động…
Cò… “chạy trường”
Gần một tháng nay vợ chồng anh D., xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn chạy đôn chạy đáo tìm “cò” chạy trường. Cuối cùng vợ chồng anh cũng tìm được “cò”. Với cái giá 10 triệu đồng, bé N.H. (con gái của anh) sẽ có một chỗ học tại Trường Tiểu học Võ Văn Tần, (P.Trung Mỹ Tây, Q.12). Anh D. kể lại: “Cách đây một tuần, “cò” kêu tôi đưa hộ khẩu để chuyển bé N.H. sang tạm trú tại nhà một người ở P.Trung Mỹ Tây, Q.12. Và trước mắt tôi phải đưa cho “cò” 3 triệu đồng, sau này khi bé N.H. đã được đi học thì đưa tiếp 7 triệu đồng còn lại”. Chị H., vợ anh D. chen vào: “Lúc đầu vợ chồng tôi có hỏi “cò” là sao phải chi nhiều tiền thế, anh ta trả lời là 3 triệu đồng “chạy” tạm trú, 2 triệu đồng tiền “cà phê” và 5 triệu đồng tiền đóng học đầu năm. Thôi thì có được chỗ học tốt cho con mất một khoản tiền lớn cũng đành chấp nhận”.
Sở dĩ anh D. phải “hy sinh” 5 tháng lương để “chạy” trường cho con là bởi chị H. làm cấp dưỡng ở Trường THPT dân lập N.K., Q.Tân Bình nên ngày nào chị cũng đi làm từ 5 giờ sáng, đến 7 giờ tối mới trở về nhà. Còn anh làm công nhân cho một xưởng gỗ ở P.Trung Mỹ Tây nên lãnh trách nhiệm đưa rước bé N.H. đi học. “Nếu bé học đúng tuyến – Trường Tiểu học Mỹ Hòa thì không ai đưa rước được”, chị H. giãi bày.
Mặc dù bà nội vẫn còn khỏe và có thể đảm nhận vai trò đưa rước cháu đi học nhưng vợ chồng chị L. (Q.2) vẫn nhất quyết xin cho bé H. học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, Q.3. Chị L. tiết lộ: “Trước đây, để xin cho bé vào học ở Trường Mầm non Bé Ngoan, P. Đa Kao – Q.1, mình đã phải nhờ mấy ông ở UBND phường. Song đối với tiểu học thì khó hơn mầm non nhiều vì không nhận học sinh trái tuyến. Mình đã nhờ cậy tất cả các mối quan hệ và sẵn sàng chi tiền triệu nhưng chưa ai nhận lời “chạy” giùm…”.
Tuy nhà cách Trường Tiểu học Hồng Hà (P.19, Q.Bình Thạnh) có vài trăm mét và đây cũng là một trong những ngôi trường chất lượng nhưng chị M. vẫn cứ thích “chạy” trường. Ngôi trường mà chị nhắm tới cho con gái là Trường Tiểu học Hòa Bình, Q.1. Cũng như vợ chồng anh D., chị M. sẽ phải mất 15 triệu đồng để “mua” chỗ học cho con. “Tôi đã đưa cho “cò” 5 triệu đồng để làm tạm trú, khi nào có giấy gọi đi học sẽ trả hết số tiền còn lại…”, chị M. cho biết.
Coi chừng tiền mất…
Tạm trú vào địa bàn có trường điểm là cách “chạy” trường phổ biến nhất từ nhiều năm nay. Và năm nay cũng vậy, “bổn cũ” đang được “cò” chạy trường “soạn lại”. Tuy nhiên theo bà Trần Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 thì: “Chúng tôi chỉ nhận những trẻ 6 tuổi có hộ khẩu, KT3 trên địa bàn. Khoảng đầu tháng 6, quận 1 sẽ có kế hoạch tuyển sinh, các trường sẽ căn cứ vào đó để tuyển sinh”.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cho biết thêm: “Những trẻ chỉ tạm trú tại nhà ông bà hay nhà người quen thì sẽ không có cơ hội vào học tại các trường trên địa bàn quận, đặc biệt là những trẻ mới tạm trú thì lại càng không thể. Đối với trẻ có hộ khẩu tại nhà người quen phải có thời gian lâu dài, ít nhất là một năm thì mới được học. Còn trường hợp mới nhập khẩu, trẻ phải nhập khẩu theo ba mẹ”.
Nói về công tác tuyển sinh lớp 1 ở quận 1, cô Điệp cũng cho biết thêm: “Ban tuyển sinh của quận sẽ gửi cho trường một danh sách, nhà trường căn cứ vào đó để nhận học sinh. Vì vậy cho dù trẻ có giấy gọi của UBND phường nhưng không có tên trong danh sách thì nhà trường cũng không dám nhận”. Nếu quận 1 làm chặt như vậy thì trường hợp của con chị M. (phụ huynh nêu ở trên) coi như “out”, như vậy là chị đã mất đứt 5 triệu đồng…
UBND TP chỉ đạo là không nhận học sinh trái tuyến nên các quận, huyện đã làm rất chặt chẽ trong công tác tuyển sinh lớp 1 và lớp 6. Sở GD-ĐT TP cũng đã hướng dẫn rất rõ: Phụ huynh không nên tin vào các “cò chạy trường”.
Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cũng cho biết: “Trong thời gian gọi nhập học, quận sẽ nhận tất cả những trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu và KT3. Đối với những trẻ tạm trú, nếu có giấy bảo lãnh của công an thì cũng được gọi đi học. Tuy nhiên, đối với diện tạm trú nhưng có hộ khẩu ở quận, huyện lân cận thì chúng tôi sẽ truy tới hộ khẩu gốc, nếu phát hiện có gian lận tuyệt đối sẽ không nhận. Còn những trẻ trái tuyến nhưng có cha mẹ công tác tại các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn quận thì sẽ được xem xét, nếu còn chỗ thì nhận. Khoảng 20-5, quận Tân Phú sẽ có kế hoạch tuyển sinh…”.
Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)