Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rủi ro và bảo hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Lại thêm một vụ việc đau lòng mà các y bác sĩ thường nói là “rủi ro” trong hành nghề y vừa xảy ra. Đó là trường hợp của chị Hứa Cẩm Tú, 37 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bị bác sĩ của Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ “lỡ tay” cắt luôn một lúc 2 quả thận.
Dù có biện luận cách nào đi chăng nữa thì sự việc cũng đã rồi và sức khỏe, tính mạng của một con người thì đang mong manh như đèn trước gió. Đau đớn thay, người mẹ trẻ này còn tới 3 đứa con chưa đến tuổi trưởng thành. Các con chị đang cần đến chị, cần đến sức khỏe chở che và nuôi nấng chúng lớn khôn. Vậy mà giờ đây, chị gần như tàn phế. Và cuộc đời chị Tú sẽ ngắn ngủi hơn khi phải luôn sống cùng máy chạy thận, chưa tính sẽ chi phí tốn kém đến nhường nào mà một nông dân như chị khó tưởng tượng được.
Trớ trêu thay, dù biết rằng một quả thận còn lại là khỏe mạnh nhưng ê kíp phẫu thuật vẫn cắt bỏ mà không cần đến một ý kiến của người thân bệnh nhân, không một hội chẩn… Họ thanh minh rằng cần phải mổ. Thế thôi!…
Xin nhắc một câu chuyện tương tự là trường hợp chị Phạm Thị Xuân (tạm trú quận 12, TPHCM) cũng rơi vào hoàn cảnh bị cắt nhầm cách nay chưa lâu. Chị Xuân được bác sĩ BV Đa khoa Phú Thọ (TPHCM) chẩn đoán bị u nang buồng trứng xoắn bên phải nhưng lại cắt nhầm buồng trứng bên trái.
Với một cô gái trẻ sinh năm 1986, chưa chồng con, việc mất đi một buồng trứng và một buồng trứng còn lại bị bệnh đã gần như cướp đi thiên chức làm mẹ. Chị Xuân đã ngậm ngùi, đã kiện tụng để muốn làm rõ những tắc trách của bác sĩ. Nhưng dù có được gì đi nữa thì cái quan trọng, cái cần là sức khỏe, là khả năng sinh sản đã không còn… Và lý giải cuối cùng cho mọi nguyên nhân: Rủi ro!
Những câu chuyện nói trên chỉ là một phần tiêu biểu của những “rủi ro” trong hành nghề y. Có thể có những câu chuyện đau lòng hơn mà chưa… tiết lộ. Dù rằng ngành y được biết đến có nhiều rủi ro nhưng cần xem đó có thực sự rủi ro hay thiếu trách nhiệm, sự yếu kém tay nghề và thiếu tính lương y? Nếu thực sự các bệnh viện tuyến dưới uy tín, chất lượng thì liệu mấy người bệnh chạy lên tuyến trên cho tốn kém. Nói vậy không phải là sẽ không có rủi ro xảy ra nhưng dù sao cũng có thể lý giải được chứ không phải theo kiểu… chẩn đoán bên nọ, cắt nhầm bên kia. Hơn nữa, đã đến lúc cần có bảo hiểm y khoa cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.
Đằng sau mỗi người bệnh là chồng, con, là gia đình và đằng sau mỗi bác sĩ cũng vậy. Nếu một sự cố rủi ro xảy ra, cả 2 bên đều thiệt thòi. Vậy, để phần nào đỡ đần sự thiệt thòi về vật chất, nên chăng chỉ có bảo hiểm. Có vậy, bác sĩ mới yên tâm cầm dao, kéo chứ lỡ có chuyện gì thì… lãnh đủ. Và ngược lại, người bệnh sẽ được chi trả tùy theo mức độ rủi ro. Lúc đó, bệnh viện cũng không phải loay hoay mãi với chuyện đền bù, mà chỉ cần quan tâm chấn chỉnh tay nghề, kỹ thuật y bác sĩ. Đó ắt cũng là xu hướng cần đạt tới cho kịp với thời thế của các nước trong khu vực và trên thế giới. 
Theo TƯỜNG LÂM
(SGGP)

Bình luận (0)