Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Rumani: Học sinh bị dụ dỗ dùng chất gây nghiện

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường và phụ huynh ở Rumani rất lo lắng cho con em mình khi bị dụ dỗ, chào bán chất gây nghiện (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Người ta gọi bọn bán “chất gây nghiện” (còn gọi là “chất gây ảo ảnh”) là người tạo “giấc mơ”. Chúng dụ dỗ, chào bán cho học sinh những loại cỏ có chất thơm và nhiều chất khác có tác dụng tạo ra cảm giác lâng lâng, phiêu diêu.
Hiện nay, hiện tượng này đang lan ra nhanh tại các trường học ở Rumani làm nhà trường, phụ huynh, cơ quan y tế và chính quyền lo lắng. Nhà báo Rumani Adevarul ở thủ đô Bucarest đã viết bài cảnh báo vấn đề này.
“Chất gây ảo ảnh” được quảng cáo với những lời hoa mỹ ngọt ngào trên internet và mời chào học sinh công khai, không cần lén lút. Trẻ vị thành niên rất khoái chất này. Vì tò mò, vì muốn tự tạo chất men “lên gân, cảm giác mạnh” nên càng ngày càng có nhiều học sinh mua hút, hoặc hít những chất thường dùng để bón cho hoa mau nở. Dù bạn là ai, già trẻ lớn bé, trong bất cứ cương vị nào cũng có thể mua dễ dàng chất này. Hơn nữa người bán còn tận tình bày vẽ cho bạn cách sử dụng: quấn điếu thuốc ra sao cho gọn, đẹp, dễ hút; hút thuốc như thế nào cho “phê”. Họ còn thuyết phục: “Thuốc này là chất bột, là chất muối dùng khi tắm, là chất giống như cần sa. Hoàn toàn không có nguy hại gì, không bị nghiện đâu mà lo, cứ dùng thử rồi sẽ biết, khoái lắm…”.
Hai học sinh ở Trường Nicolae – Iorga đã thử dùng “chất gây ảo ảnh”. Các em muốn có “cảm giác mạnh”, hút vội vàng trước khi vào lớp. Kết quả như thế nào? Bà Hiệu trưởng kể lại: “Hai em này có hành vi khác lạ, cười liên tục không kiềm chế được. Khi người ta đem các em đến chỗ tôi, mắt của chúng đảo điên và một em nói khó thở…”. Các em đã hút một loại tương tự như cần sa, một thứ không bị cấm, nghĩa là hợp pháp. Loại này dùng làm phân bón cho cây mau nở hoa, có mùi thơm dễ chịu nhưng cũng làm cho người sảng khoái, đê mê, muốn làm một cái gì đó ngoài khả năng hàng ngày. Chỉ ba tuần sau ngày khai giảng, các giường cấp cứu ở Bệnh viện Saint-Jean ở Iasi (Đông Bắc Rumani) đã chật cứng các em học sinh đi từ “thế giới ảo mộng” trở về. “32 em cần chăm sóc y tế sau khi dùng loại “lá dân tộc”. Trong đó 80% trường hợp cần cứu chữa là nam và 90% trong số đó đến từ thành phố. Tuổi trung bình của thiếu niên dùng chất gây nghiện là 23", bác sĩ Tudor Ciuhodaru, điều phối viên của những trường hợp khẩn cấp ở Bệnh viện Saint-Jean cho biết. Ở trung tâm Brasov, một thành phố lớn khác của Rumani, cách Trường Trung học số 5 vài trăm mét có một cửa hiệu, ngoài thuốc lá, xì-gà và nước uống có cồn, người ta còn bán cả thuốc gây nghiện dạng viên. Hai cô bán hàng công nhận rằng những loại “lá thơm” này gây cảm giác đê mê, lâng lâng, như sống trong ảo ảnh…
Cửa hiệu ở Brasov không phải là trường hợp cá biệt. Loại kinh doanh này xuất hiện xung quanh các trường học và thành phố nào cũng có loại này. Luật pháp có điều khoản “cấm bán thuốc lá và rượu ở gần các trường học”, nhưng cũng không ngăn cấm được các cửa hàng buôn bán chất gây nghiện mở xung quanh các trường.
Trong năm nay 29 chất và 9 loại cây có gây nghiện đã bị cấm bán. Những cơ sở sản xuất chất này đã biến mất trong vài ngày, chờ nhập khẩu những chất gây nghiện khác không nằm trong danh sách bị cấm. Khi các cơ sở này mở cửa trở lại, thì người ta chờ đợi một số em học sinh khác lại tiếp tục vào bệnh viện. Những chất gọi là “cây cỏ dân tộc” này cũng không rẻ hơn: viên rẻ nhất có thể làm hai điếu giá khoảng từ 4 đến 8 Euro, trong khi lương trung bình của người làm công ở Rumani là 450 Euro/tháng. Một gram chất “gây cảm giác phiêu diêu” loại sang cũng lên đến 50 Euro.
Dĩ nhiên khi đã phát hiện vấn đề, Nhà nước Rumani không thể khoanh tay hoặc chần chừ đưa ra những biện pháp quyết liệt chống lại nạn đầu độc thế hệ trẻ bằng những chất gây nghiện do bọn bất lương chạy theo lợi nhuận tối đa gây ra một cách vô luật pháp, vô đạo đức.
Gia đình và nhà trường không bị động chờ những biện pháp dưới dạng luật do Nhà nước ban hành, mà đã chủ động đóng vai trò quyết định cứu con em và học sinh của mình ra khỏi vòng vây vô hình ác độc của những chất gây nghiện.
(theo Courrier international)
Phan Thanh Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)