Đối với tôi, Cúc Phương là cuốn sách giáo khoa sinh học đẹp nhất, kỳ diệu nhất. Rừng nhiều tầng, những “nhà máy tổ mối” rải rác trong rừng, những con kỳ nhông đổi màu, những cây chò chỉ vươn cao kiêu hãnh, những cây đa bóp cổ hình dáng kỳ quặc, nấm và địa y, hoa dại và hằng hà sa số bươm bướm…
Những đàn bướm như những đám mây nhỏ, trôi ven hồ Mạc và đậu xuống những bãi đất ẩm.
Đường vào Cúc Phương |
Ở Cúc Phương lần đầu tiên tôi nhìn thấy con bọ que. Con vật giả dạng một cành cây, màu xanh với bốn cái chân mảnh khảnh như những nhánh cây nhỏ. Lát sau, tôi lại thấy chú bọ que khác giả dạng một cành cây khô có màu xám trắng. Dù đã nhìn hình trong sách giáo khoa sinh học, tôi vẫn không thể nhận ra chú bọ que láu lỉnh nếu không được anh hướng dẫn viên chỉ dẫn.
Những cánh bướm rực rỡ ở Cúc Phương |
Những con số được thống kê có thể phần nào nói lên sự đa dạng sinh học của rừng quốc gia Cúc Phương. Hệ thực vật với gần 2.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài ghi trong sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật với 117 loài thú, 65 loài cá và 2.000 loại côn trùng. Đặc biệt, Cúc Phương thật sự là một “bảo tàng các loài chim nhiệt đới” với 307 loài chim đã được phát hiện và thống kê. Có những du khách nước ngoài đã bỏ ra hàng chục ngày để đi những chương trình tour, lặng lẽ theo bóng chim trong rừng…
Nhưng Cúc Phương không chỉ là cuốn sách thiên nhiên. Không khí trong lành, rừng bao phủ và thung lũng giữa bốn bề núi đá vôi còn là nơi thư giãn lý tưởng. Thật hạnh phúc khi một ngày hè được thức dậy giữa màu xanh bao la của rừng núi, nghe tiếng rừng vang vọng và tiếng chim, nhìn trên những đỉnh núi bao quanh thung lũng còn những dải mây mù như ngái ngủ. Khi mặt trời lên, ánh nắng chiếu qua tán lá những cây kim giao cổ tích xuống bãi cỏ còn ướt sương.
Cây vù hương |
Từ khu nghỉ trung tâm, bạn có thể bắt đầu nhiều tuyến tham quan thú vị vào sâu trong rừng, đi tham quan các hang động, các di chỉ khảo cổ, bản Mường… Hay đơn giản chỉ là nằm dài một ngày ở khu nhà nghỉ trong rừng để thấy được thật ra một ngày cũng thật dài.
Cúc Phương cách Hà Nội khoảng 120km về phía tây nam. Từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 1A về phía Ninh Bình, khi tới Gián Khẩu thì đi tiếp theo quốc lộ 12 khoảng 35km là tới. Bộ phận du lịch của rừng quốc gia Cúc Phương cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống và tổ chức các tour du lịch có hướng dẫn.
Một góc nhỏ bé trong rừng Cúc Phương |
Chú bọ que nguỵ trang thành một nhành cây |
Chú kỳ nhông giỏi ngụy trang |
Những cây kim giao được trồng ở khu trung tâm rừng |
Một loại hoa dại ở Cúc Phương |
Cây đa bóp cổ thường mọc trên nhánh của một cây thân gỗ. Nó hút chất chất dinh dưỡng từ cây chủ để phát triển. Sau khi bộ rễ đã phát triển và cắm xuống đất, rễ của nó vẫn bao quanh và bóp nghẹt cây chủ, tạo thành những thân cây rỗng |
Cây chò chỉ kiêu hãnh |
Rừng xanh và tràn ngập nắng |
THU GIANG (TTO)
Bình luận (0)