Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Rừng” đang thừa “củi”

Tạp Chí Giáo Dục

Đôi ba năm trước, tại một hội thảo của ngành xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm – Tổng hội Xây dựng Việt Nam – đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này.

 
Ước tính mỗi năm nước ta có 1,5 triệu lao động mới cần giải quyết việc làm, vậy nhưng việc nhập khẩu lao động lại đang có dấu hiệu gia tăng. Điều rất đáng lo ngại là lao động được nhập khẩu không chỉ là những người có trình độ cao mà còn cả lao động phổ thông – lực lượng tưởng chừng nguồn cung trong nước còn đang quá dư thừa.
 
Chuyện khởi nguồn từ ngành xây dựng
 
Đôi ba năm trước, tại một hội thảo của ngành xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm – Tổng hội Xây dựng Việt Nam – đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Lúc đó, nhắc đến chuyện nhập khẩu lao động người ta mới chỉ nghĩ đến lao động trình độ cao, chuyên gia, vì vậy lời cảnh báo này chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp trong ngành.
 
Thực tế cho thấy, chất lượng lao động phổ thông trong ngành xây dựng chưa cao, thậm chí còn rất thấp. Lực lượng lao động bị hạn chế về trình độ tay nghề, thợ bậc cao lành nghề thiếu tạo ra việc chuyển dịch thợ bậc cao khá phổ biến. Việc sử dụng lao động nông nhàn, trình độ văn hóa thấp, được đào tạo sơ sài và không gắn bó với công việc – được nhận định là nguyên nhân chính khiến cho chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt trong khâu hoàn thiện, không đảm bảo. Đây là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
 
Một vị lãnh đạo trong ngành nhận định, nếu không có giải pháp khắc phục thì việc nhập khẩu lao động trong khu vực ASEAN là tất yếu và ngay cả khi thuê lao động nước ngoài cũng cần có đội ngũ lao động có đủ trình độ, ý thức rèn luyện tay nghề, để học họ.
 
Không chỉ trong ngành xây dựng, các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đang rất thiếu công nhân kỹ thuật. Bên cạnh các lao động kỹ thuật cao được tuyển dụng từ nước ngoài để đảm nhận các vị trí quản lý, hiện đã xuất hiện tình trạng lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Các ngành nghề có lao động nước ngoài tham gia khá nhiều.
 
Đơn cử, ngành giày da, may mặc có lao động chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đài Loan.Thông tin từ các công ty chuyên về nhân lực, số lao động ngoại đang ngày càng tăng. Không chỉ các chuyên gia đi theo dự án, mà nhiều kỹ sư, lao động đủ thành phần đã chọn Việt Nam là nơi làm việc. Theo thống kê của VietnamWorks.com, số lượng lao động người nước ngoài tăng liên tục từ quý IV/2007 đến quý II/2008; quý I/2008 tăng 67% so với quý IV/2007; nhu cầu tuyển dụng lao động người nước ngoài trong quý II/2008 tăng 17% so với quý I/2008.
 
Nên “giật mình”
 
Một trong những mục tiêu lớn khi các địa phương chấp nhận dành đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất là giải quyết lao động địa phương. Khi lao động địa phương, thậm chí cả ở các địa phương khác đến, không được tuyển dụng thì đúng là… thiệt cả đôi đường. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất lớn, rất khó để đáp ứng cho đủ về số lượng và chất lượng.
 
Trong khi đó việc đào tạo tay nghề của ta còn nhiều bất cập, phần lớn lao động chưa có ý thức trong việc học tập, rèn luyện để đạt được tiêu chí “nhất nghệ tinh”. Theo Nghị định 105/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, các nhà đầu tư có quyền đưa một lượng lao động nhất định từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc, nếu lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng 90.000 người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Trong hai năm 2007-2008 có khoảng 5.000 người châu Phi, Trung Đông nhập cảnh vào Việt Nam kiếm việc làm, chủ yếu là lao động phổ thông. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở TP.HCM, chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2008 đã có khoảng 1.700 lao động phổ thông được nhập khẩu.
 
Trong lúc kinh tế của các nước trong khu vực đều đang lao đao trong cơn lốc suy thoái kinh tế toàn cầu, hàng hóa không tiêu thụ được, nhiều xí nghiệp, nhà máy phải đóng cửa, việc dư thừa lao động phổ thông tại bản địa sẽ càng làm tăng lên nỗi lo về nhập khẩu lao động đối với Việt Nam. Đó là chưa tính đến các hệ quả về xã hội sẽ ngày càng phức tạp thêm.
 
Không khó để dự báo nhu cầu việc làm của lực lượng lao động phổ thông trong nước sẽ ngày càng tăng lên do nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Bên cạnh đó là số lượng không nhỏ lao động vốn chỉ quen với nghề nông nhưng buộc phải chuyển đổi nghề do chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các vùng miền.
 
Câu hỏi đặt ra, nỗ lực trong việc hoạch định các chiến lược, kế hoạch để tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội việc làm cho lao động trong nước sẽ bị ảnh hưởng thế nào trước sức ép mới đến từ việc nhập khẩu lao động phổ thông (?). Lời cảnh báo ngày nào nay đã trở thành hiện thực. Các cơ quan quản lý nên sớm “giật mình”, sớm có biện pháp phù hợp trước khi hiện tượng này trở thành “cơn lốc” với những vấn đề khó bề giải quyết.
Theo Đăng Quân/Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bình luận (0)