Hiện nay, tại nhiều quán ăn, nhà hàng việc sử dụng khăn lạnh cho khách đã diễn ra khá phổ biến. Tuy vậy, đằng sau vẻ mát lạnh, trắng trẻo, thơm tho của những chiếc khăn này, ít ai biết được công nghệ làm ra chúng chỉ là việc ngâm thuốc tẩy, tẩm nước hoa rẻ tiền với vô vàn vi khuẩn trong đó…
Chỉ cần ngâm Javen là… trắng như mới!
Chuyện xảy ra tại một quán ăn trên đường Cầu Giấy, sau khi ăn xong, những người khách được nhân viên phục vụ quán đưa ra những chiếc khăn lạnh với dòng chữ in khá đậm “chỉ sử dụng 1 lần” có giá 2.000đ/chiếc. Sau khi lau mặt xong, ông Nguyễn Xuân Hoàng ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ bỗng nôn thốc nôn tháo khi nhìn thấy trên chiếc khăn có chất nhớt nhớt với màu xanh xanh, vàng vàng như.. đờm.
Tức giận, ông Hoàng gọi chủ quán ra nói chuyện. Trước sự chứng kiến của nhiều người, chủ quán đành xin lỗi và ậm ừ giải thích vết bẩn trên khăn là “do lỗi của nhà sản xuất” (?!).
Nhìn kỹ trên bao bì của nhiều chiếc khăn lạnh, chúng tôi không tìm thấy nơi sản xuất cũng như số đăng ký chất lượng về y tế. Lân la dò hỏi một người phục vụ nhà hàng chuyên có nhiệm vụ thu gom khăn sạch đã qua sử dụng chúng tôi không khỏi rùng mình khi được biết, những chiếc khăn lạnh đã qua sử dụng, được dùng để lau bàn, thậm chí là lau giày không những không bị vứt đi mà sẽ được thu gom lại.
Sau đó chúng được ngâm thuốc tẩy trắng rồi được đem giặt lại bằng bột giặt rẻ tiền. Để hấp dẫn khách, những chiếc khăn này sẽ được ướp các loại hương liệu mua tại các chợ, sau đó vắt bớt nước rồi đóng gói, làm lạnh mà không hề được xử lý triệt khuẩn.
Khi được hỏi về giá thành làm ra những chiếc khăn này, anh Vũ Văn Trung ở Thạch Bàn, Gia Lâm, người chuyên “biến” khăn bẩn thành khăn sạch thật thà: “ Khăn bẩn được mua lại từ các nhà hàng, quán ăn với giá rất rẻ, chỉ 200đ/chiếc, sau khi được tẩy trắng, tẩm hương thơm mất thêm khoảng 300đ nữa. Muốn khăn để được lâu mà không bốc mùi chúng tôi ngâm vào phooc môn nồng độ nhẹ rồi nhập lại khăn sạch cho nhà hàng với giá 800đ/chiếc, họ lại bán cho khách từ 1.000đ-2.000đ/chiếc.
Khăn lạnh ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là vào mùa hè, sản xuất đơn giản, lại ít bị cơ quan nào kiểm tra nên ngày càng có nhiều cá nhân, đơn vị đứng ra sản xuất khăn lạnh”. Về tiếng nổ bôm bốp phát ra từ mỗi chiếc khăn khi khách đập vào vỏ bao bì, anh Trung cười: “Điều đó khá đơn giản, khăn được đóng gói thủ công nên trước khi dán bao bì, chúng tôi thổi hơi vào rồi dán lại là ổn ngay”…
Vô số vi khuẩn gây bệnh
Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Da liễu trung ương, việc dùng khăn ướp lạnh được tái sử dụng tại các quán ăn, nhà hàng để lau mặt là một trong những nguyên nhân gây ra chứng lở rộp môi do vi khuẩn virus herpes. Khăn lạnh qua tay nhiều người sử dụng nhưng được giặt qua loa và luôn luôn trong tình trạng ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh cho da và các bệnh truyền nhiễm khác.
Mặc dù các cơ sở sản xuất khăn ăn cũng sử dụng bột giặt trong quá trình giặt, tẩy khăn ăn, nhưng đó là các loại bột giặt rẻ tiền nên chỉ diệt được một số ít vi khuẩn thông thường, còn những loại nấm như hắc lào, tổ đỉa, eczema… thì không diệt được. Theo PGS.TS Lê Văn Cát, Phòng Hóa môi trường, Viện Hóa học (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam), phoóc môn là chất rất độc. Bản thân người sản xuất khăn và người sử dụng cũng có thể bị ngộ độc nếu hít phải chiếc khăn bị tẩm nhiều phoóc môn.
Do vậy, không nên sử dụng chất này trong sản xuất khăn lạnh. Bên cạnh đó các loại hóa chất tạo hương liệu ướp khăn được các cơ sở sản xuất khăn sử dụng hiện rất khó kiểm soát. Hầu hết những sản phẩm này là hóa chất công nghiệp, không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Nhiều loại hóa chất không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Điều đáng nói là đến thời điểm hiện tại có rất ít cơ sở có hệ thống tẩy trùng, hấp sấy, hóa chất diệt khuẩn đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh để làm sạch khăn lạnh đã qua sử dụng. Việc kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn an toàn vệ sinh khăn lạnh vẫn đang bị thả nổi. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình, mỗi người nên có khăn dùng riêng, tránh sử dụng khăn lạnh không đảm bảo vệ sinh, vừa mất tiền lại rước bệnh vào người…
Huệ Linh (ANTĐ)
Bình luận (0)