Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rùng mình nước uống vỉa hè

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

PGS.TS Phan Thị Sửu – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, nước uống vỉa hè tiện thì có tiện nhưng nguy cơ về sức khỏe là không lường được.

Người tiêu dùng nên chọn cho mình cách giải khát an toàn để giữ gìn sức khỏe. Ảnh: Chí Cường.
Người sử dụng thường chủ quan vì khả năng tiến triển thành bệnh nhiều khi lại không diễn ra ngay lập tức mà tích tụ lâu dài.
Vi khuẩn, kim loại nặng vượt xa giới hạn cho phép
PGS.TS Hồ Bá Do – Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên một số loại nước uống đường phố  gồm: Trà đá, trà chanh, trà bát bảo, nước mía, nước ngô, nhân trần, nước vối… tại các phố Nhà Thờ, Hoàng Cầu, Lãn Ông, Đê La Thành, Cát Linh… trên địa bàn TP Hà Nội về kiểm nghiệm.
Kết quả cho thấy, 8/9 mẫu nước uống trên nhiễm khuẩn E.coli, gồm 1 mẫu nước trà chanh lấy ở phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm), mẫu nước vối ở Hoàng Cầu, mẫu nước nhân trần ở Đê La Thành, mẫu nước ngô ở Cát Linh… 100% các mẫu này đều nhiễm B.cereus; 33% vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí đối với tiêu chuẩn thực phẩm chức năng; 45% vượt giới hạn nấm men, nấm mốc; 33% phát hiện hàm lượng kim loại nặng (chì, thuỷ ngân, Cadimi) vượt xa giới hạn cho phép.
GS.Nguyễn Lân Dũng – Hội Sinh học Việt Nam cho biết, phân tích của Hội Sinh học cho thấy nước mía vỉa hè đã được pha loãng 1.000 lần vẫn “không đếm nổi vi khuẩn có hại”. Người Việt có khả năng miễn dịch rất cao nên số người có phản ứng xấu với nước mía hầu như không có. Đáng nói là việc chế biến thức uống này rất mất vệ sinh như: Máy ép nước không được cọ rửa sau mỗi lần sử dụng, ruồi bâu, cốc chén rửa qua loa và cả đá dùng cho nước mía cũng phần nhiều từ nước lã. Thêm vào đó, người bán hàng không rửa tay, vừa cầm tiền, vừa cầm các vật dụng khác và ép nước mía đưa cho khách.
Từ từ tàn phá cơ thể
Nên chọn cho mình cách giải nhiệt an toàn, ví như đi đường xa, đi làm, bạn có thể chuẩn bị sẵn một bình nước mơ muối, chanh muối… vừa giúp giải khát, vừa bổ sung lượng muối đã mất do ra nhiều mồ hôi, rất tốt cho cơ thể. Với trẻ nhỏ, nếu như nhà trường không có nước tinh lọc đảm bảo an toàn thì cha mẹ cũng nên cho trẻ mang theo nước uống khi đi học.

Theo PGS.TS Phan Thị Sửu, nước uống nhiễm vi khuẩn E.coli, B.cereus, có hàm lượng men mốc, kim loại vượt giới hạn cho phép sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đứng đầu là các bệnh đường ruột.

PGS Hồ Bá Do cho biết, E.coli là vi khuẩn trong phân rất nguy hiểm, nếu uống nước nhiễm vi khuẩn này hàng ngày có thể bị ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, tiêu chảy… các loại nấm mốc sinh độc tố Mycotoxin và Aflatoxin gây nhiễm độc cấp, mạn tính tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. Vi khuẩn B.cereus là một trong những căn nguyên gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.  Nó có mặt ở khắp nơi trong môi trường, gây bệnh bằng cách sinh độc tố với hàm lượng men mốc, nấm mốc có trong nước uống cao, gây nhiễm độc cấp tính và mạn tính. Nguy hiểm là các loại nấm mốc khi xâm nhập vào trong cơ thể sẽ gây tổn thương từ từ, rất khó phát hiện, trong đó có một số độc tố men mốc phá hủy lặng lẽ hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ gây nên các căn bệnh ung thư.
“Nếu uống nhiều đồ uống có chứa hóa chất sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc trong quá trình rất dài hay còn gọi là nhiễm độc mãn tính. Các thức uống này được bán trên vỉa hè, các phương tiện giao thông cơ giới, xe máy, ôtô xả khói thường xuyên có thể khiến nước uống không chỉ bị nhiễm vi khuẩn mà còn nhiễm cả kim loại nặng. Uống nước không tinh lọc, nước nhiễm kim loại nặng có thể gây ảnh hưởng đến xương, não. Chì sẽ gây ức chế enzyme tổng hợp máu, phá vỡ hồng cầu, tương tác với các vitamin và khoáng chất khác gây bệnh cho cơ thể. Cadimi gây độc mạn tính làm rối loạn chức năng gan, loãng xương, thiếu máu, tăng huyết áp, dị dạng thai nhi, gây ngộ độc cấp: Đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… nặng dẫn tới ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi…”, PGS.TS Hồ Bá Do cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, lo ngại hơn là nhiều nhà kinh doanh còn sử dụng các hoá chất để pha chế vào đồ uống vỉa hè. Dù khi uống trà xong không bị bất kỳ dấu hiệu gì bất thường nhưng nếu uống nhiều, liên tục loại trà chanh pha bằng hóa chất cơ thể người dễ bị nhiễm độc trường diễn do quá trình dài tích tụ các chất độc được đưa vào cơ thể. Dễ nhận thấy nhất khi uống phải loại trà chanh được pha chế từ hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc nước không sạch là nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cấp.
Để tránh "bệnh từ miệng vào", các chuyên gia khuyến cáo nếu không muốn ghé thăm bệnh viện thường xuyên thì không nên chọn uống quán nước vỉa hè, đặc biệt là những nơi có điều kiện vệ sinh kém, buôn bán gần khu vực bãi rác, chợ ẩm ướt, bến xe, cống rãnh… Nên chọn các loại nước uống đóng chai có nhãn mác và thành phần rõ ràng, có địa chỉ nơi sản xuất vì các loại nước uống này đều được quản lý chặt chẽ về chất lượng và nguồn nguyên liệu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hà My – Hà Dương
GiadinhNet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)