Rừng ngập mặn ở xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có tuổi đời hàng trăm năm, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng hệ sinh thái đồng thời là nơi mưu sinh bao đời của người dân vùng ven biển. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây rừng chết hàng loạt lan rộng khoảng hơn 5ha. Tháng 3-2022, Viện Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành khảo sát xác định nguyên nhân và gợi ý một số giải pháp phục hồi. Tuy nhiên từ đó đến nay, rừng vẫn chờ ngày hồi sinh!
Phủ xanh lại khu rừng ngập mặn vốn là mong ước của người dân xã Tam Giang
Rừng chết, dân lao đao
Theo người dân xã Tam Giang, rừng ngập mặn nguyên sinh trên địa bàn xã có diện tích khoảng 25ha, các cây cối sinh sống ở đây đã có tuổi đời hàng trăm năm với nhiều loại cây như: bần, đước, mắm… Rừng tạo nên vành đai vững chãi chắn gió cho người dân vào mỗi mùa mưa bão. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh này còn là nơi trú ngụ và sản sinh của các loài tôm, cá, cua, ốc… Bao đời nay, cư dân nghèo ở Tam Giang đều dựa vào rừng để mưu sinh. Bà Võ Thị Luật (60 tuổi) một cư dân sống nhờ nghề bắt cá tôm giữa rừng nguyên sinh này cho biết: “Dù không làm giàu được bằng nghề đánh bắt cá tôm trong hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhưng mùa nào thức ấy, tùy theo con nước lớn, ròng mỗi ngày mà tôi có thể kiếm được đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống gia đình. Rừng gắn bó với người dân Tam Giang này như một điều không thể thiếu. Mưu sinh dưới tán rừng, cảm nhận được sự chở che của rừng và cũng tự hào vì quê hương mình có rừng như thế. Không có rừng, chúng tôi không chỉ khó khăn trong mưu sinh mà còn muôn vàn nỗi âu lo khi mùa mưa bão đến”.
Năm 2015, chính quyền địa phương thực hiện dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại Tam Giang. Mục tiêu của dự án là phát triển rừng ngập mặn để bảo vệ bờ đê, chống xói lở bởi gió bão và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, một đề tài khoa học cấp bộ cũng tiến hành triển khai một phần nhỏ tại vùng đầm phá của Tam Giang, nhờ đó một số diện tích rừng ngập mặn được trồng thêm.
Vài năm trở lại đây, cây trồng trên rừng ngập mặn này có dấu hiệu chết và chết đồng loạt, lan rộng đến khoảng 7ha. Rừng mất, tôm cá dần vắng bóng. Bà Luật buồn bã nói: “Trước đây khi rừng còn dày, mỗi ngày tôi cũng đánh bắt được 300 đến 400 ngàn đồng. Bây giờ, vất vả cả ngày trên bùn lầy nhưng may lắm chỉ kiếm được 100 ngàn đồng. Khó khăn lắm”.
Mất rừng, người dân mất sinh kế. Không chỉ vậy, nơi đây còn đối mặt với nỗi lo sạt lở bờ kè và ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân mỗi khi mưa bão kèm theo gió lớn.
Vẫn chờ giải pháp
Tháng 3-2022, theo đề nghị từ phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và Phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành, Viện Tài nguyên và Môi trường (Viện Công nghệ sinh học) đã tổ chức khảo sát để đánh giá nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp khắc phục hiện tượng suy thoái rừng ngập mặn ở Tam Giang. Nguyên nhân được xác định cây chết hàng loạt do có sự thay đổi đồng bộ chất lượng nước hoặc do sự gia tăng bất thường lượng chất hòa tan trong nước, do các tác động vật lý trong thời gian dài và liên tục làm thay đổi quá trình hoạt động của hệ thống rễ khí sinh. Chỉ những cá thể bị ngập lâu và sâu do thủy triều, gây tác động triệt để lên hệ thống rễ khí sinh dẫn đến bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau khi hệ thống rễ khí sinh bị tiêu diệt, cây ngập mặn mất khả năng hút nước và khoáng gây ra mất khả năng duy trì sự sống. Còn các cá thể ở ven bờ ít chịu tác động nên hệ rễ khí sinh ổn định và tiếp tục sinh trưởng; Hệ thống rễ khí sinh ở những cây có kích thước lớn có thể chịu được tác động lâu hơn nên đã có dấu hiệu phục hồi. Trên thực tế, phần lớn các cây kích thước lớn đã có dấu hiệu phục hồi thông qua 2 chỉ thị chính: phát sinh chồi mới; phục hồi rễ khí sinh.
Khoảng hơn 5ha rừng ngập mặn tại xã Tam Giang đã chết nhiều năm vẫn chưa được phục hồi
Ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang chia sẻ, những năm qua, chính quyền địa phương đã có kế hoạch trồng cây lại khu vực cây bị chết nhưng kinh phí eo hẹp nên việc triển khai còn hạn chế. Địa phương rất mong nhận được sự quan tâm để phủ xanh lại khu rừng ngập mặn vốn được ví như “lá phổi xanh” của người dân xã Tam Giang”. |
Đơn vị này cũng đề xuất các giải pháp lâm sinh khả thi để nghiên cứu áp dụng. Cụ thể, hiện tượng suy thoái rừng ngập mặn tại xã Tam Giang đã kết thúc và bắt đầu có các dấu hiệu phục hồi và tái sinh trở lại. Nên để đảm bảo có thể khả năng phục hồi lại hệ sinh thái của rừng cần thực hiện một số biện pháp như: Phân lô và đánh giá hiện trạng tái sinh và tình trạng tái phục hồi theo lô làm cơ sở thiết kế trồng phục hồi; Cần khảo sát thí điểm trồng và xúc tiến tái sinh tự nhiên trở lại các diện tích đã bị tác động trong mùa trồng rừng ngập mặn năm 2022. Diện tích trồng thử nghiệm có thể chiếm 10% tổng diện tích thiệt hại để làm cơ sở tái phục hồi trong năm2023. Các loài cây được chọn để trồng gồm: đước, bần, mắm; Đồng thời, không cho người dân khai thác tận thu cây đã bị chết để tránh tình trạng lợi dụng tận thu gây tác động xấu đến hệ sinh vật đang tồn tại và các cây còn sống. Tiến hành trồng bổ sung lại cho rừng tại các khu vực bị trống bằng các loài cây đã hiện hữu tại rừng ngập mặn. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Mặc dù việc khảo sát xác định nguyên nhân ban đầu đã được thực hiện. Tuy nhiên, đến nay người dân ở Tam Giang vẫn chờ các động thái tái sinh rừng ngập mặn. Ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang chia sẻ, những năm qua, chính quyền địa phương đã có kế hoạch trồng cây lại khu vực cây bị chết nhưng kinh phí eo hẹp nên việc triển khai còn hạn chế. Địa phương rất mong nhận được sự quan tâm để phủ xanh lại khu rừng ngập mặn vốn được ví như “lá phổi xanh” của người dân xã Tam Giang”.
Thiên Phúc
Bình luận (0)