Tòa soạnThư đi – tin lại

Rùng rợn với sách kinh dị

Tạp Chí Giáo Dục

 

Một bạn trẻ say mê với những quyển sách KD

“Văn học hiện nay như một bữa tiệc buffet mà mỗi chúng ta đều có thật nhiều cơ hội để chọn lựa”. Đây là một nhận định in trong Chuyện quái dị ở trường học – một cuốn sách thuộc thể loại kinh dị (KD) dành cho lứa tuổi học trò. Và nó đã nói lên phần nào tình trạng bát nháo của thị trường sách văn học KD tại nước ta hiện nay.
Nếu thể loại KD được hiểu là yếu tố kỳ ảo, tạo ra sự tưởng tượng tích cực cho người đọc thì nó sẽ không phải là điều bất thường trong dòng chảy sách văn học hiện đại.
1.001 kiểu… KD
Thực tế cho thấy, đã có nhiều tác phẩm mượn yếu tố ma quái để truyền tải các giá trị tư tưởng làm say mê bao thế hệ bạn đọc bởi tính nhân văn và cảm xúc nghệ thuật như Liêu trai chí dị, Truyền kỳ mạn lục hay Harry Potter
Thế nhưng, tính chất KD hiện nay đang được nhiều cây bút khai thác theo một chiều hướng khác nhằm “câu khách”, thường kết thúc bằng những tình huống tàn bạo, gây kinh hãi cho người đọc qua việc khai thác các chi tiết rùng rợn, dã man về cái chết, sự đớn đau… Nổi bật nhất trong loạt sách này có thể kể đến: Chuyện không kể lúc nửa đêm, Những khúc xương hoang tưởng, Ác báo, Hồn về trong gió… miêu tả tỉ mỉ về các loại ma và sự trả thù của những oan hồn đối với nhân thế. Ngoài ra, còn có nhiều cuốn sách mang nặng yếu tố hình sự, hành động bạo lực, KD trong hành xử mất nhân tính của các nhân vật, thậm chí xem việc giết người là một thú vui để thỏa mãn sự tàn bạo như Cái ghế trống, Vụ huyết án phố Morgue, Khiêu vũ với quỷ
Không những nó chiếm một số lượng khá lớn mà dòng sách phi nghệ thuật này còn được đặt ở các vị trí khá bắt mắt, thu hút người xem. Chị Nguyễn Thị Thu Trang – nhân viên Nhà sách Sài Gòn cho biết: “Sách KD hiện nay được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng nên bán rất chạy. Đặc biệt, bộ Chuyện kể lúc nửa đêm được nhiều cô cậu học trò yêu thích và chọn lựa để đọc trong dịp hè này”. Còn chị Nguyễn Phương Anh, đưa con đến hiệu sách Nhân Văn (Q.10, TP.HCM) đã không giấu được vẻ lo lắng khi cậu nhóc 10 tuổi của mình tỏ ra say mê trước quầy truyện KD: “Dòng sách này hiện nay đang góp phần làm vẩn đục tâm hồn của giới trẻ – nhất là lứa tuổi học sinh vốn chưa phân biệt được cái tốt cái xấu. Các bậc làm cha mẹ như chúng tôi khó có thể kiểm soát bọn nhỏ bởi những cuốn sách này đã lan rộng đến trường học, trở thành món quà chuyền tay nhau. Do vậy, chúng tôi chỉ có thể định hướng con em mình tìm đọc các quyển sách mà ở đó dù có yếu tố KD nhưng đồng thời cũng có giá trị nghệ thuật cao”.
Tác hại đến nhận thức
Chưa bao giờ vấn nạn bạo lực học đường, tình trạng tội phạm là những trí thức với cách hành xử đầy dã man ngày càng phổ biến như thời điểm hiện nay. Dư luận xã hội đã phải giật mình bởi tình tiết trong các vụ án dường như chỉ có thể tìm thấy trong… phim ảnh, được hư cấu và qua sử dụng kỹ xảo. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng ghê gớm của sự dã man, thú tính trong thế giới ảo, thế giới của tưởng tượng được sử dụng đan xen vô thức với hành động thật ngoài đời. Việc miêu tả tỉ mỉ, thái quá cảnh tượng rùng rợn kiểu người vợ giết chồng rồi chặt đầu chôn dưới sàn nhà (Đầu lâu dưới sàn nhà) hay lời tựa một cuốn sách: “Kẻ tầm xương không bao giờ dừng lại cho đến khi lóc cuộc sống đến tận xương. Là một kẻ giết người ma quái với nhiều vụ mất tích kỳ lạ” (Kẻ tầm xương)… không thể đơn thuần là các câu văn mang tính giải trí khi mà nhiều bạn trẻ cho rằng những hành vi man rợ trong sách KD cũng… bình thường, đọc riết sẽ quen. Bạn Đinh Hoàng N., sinh viên Trường Đại học Công nghệ chia sẻ: “Sách KD càng đọc càng thấy… nhạt. Tụi em cần một cái gì “rúng động” hơn nữa. Đó cũng là một cách tự khám phá những cảm giác của mình”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Với tình trạng bát nháo của thị trường truyện KD kém chất lượng, mang tính lợi nhuận như hiện nay, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn nhằm kiểm tra, ngăn chặn, góp phần làm giảm thiểu tình trạng đạo đức đang xuống cấp ở một bộ phận giới trẻ – vốn không đủ tỉnh táo để “miễn nhiễm” khi tiếp xúc với nền văn hóa… KD.

 

Bình luận (0)