1.Đặt chân đến xứ sở Bạch Dương tròn 37 năm về trước, cảm xúc đón ngần ấy cái Tết Việt ở xứ người trong người con Hà Tây – Nguyễn Chiên vẫn rưng rưng cảm xúc. Năm 1987, ông Chiên sang Nga làm công nhân xây dựng. Sau hai tháng đặt chân đến đất nước xinh đẹp và đầy tuyết trắng này, ông Chiên đón cái Tết Nguyên đán đầu tiên. “Hồi ấy tôi làm công nhân xây dựng, mỗi đội có 50 người. Ngày Tết, anh em trong đội cũng tổ chức đón giao thừa bằng bánh kẹo, nước chè xanh và chúc nhau năm mới dồi dào sức khỏe, công việc ổn định. Thời ấy mọi thứ còn khó khăn nên Tết không có cỗ giao thừa, dù vậy thời khắc năm cũ chuyển mình sang năm mới trong mỗi người vẫn đầy cảm xúc, vừa vui, hân hoan mà có chút nôn nao nhớ Tết với tiếng nói cười đầm ấm ở quê nhà”.
Bôn ba xứ người, mãi đến năm 1994, ông Chiên chuyển sang kinh doanh, cuộc sống đỡ vất vả hơn và có điều kiện thuê một căn nhà riêng để ở. Năm đó, ông cùng vợ soạn sửa một cái Tết đúng nghĩa với đủ đầy bánh chưng, bánh tét, con gà xoáy cầu an năm mới. “Khi ấy, mỗi nhà có điều kiện đều tự sắm nồi nấu bánh chưng và tự tìm mua nguyên vật liệu về để gói. Đúng 20 giờ tối ở Nga là giao thừa ở Việt Nam. Cùng với chiếc bánh chưng nóng hổi, con gà xoáy luộc cũng được bày biện lên mâm lễ. Cả nhà cùng nhau thắp nén hương đón chào năm mới với niềm cầu mong mọi người bình an, sức khỏe. Sau giao thừa, cả nhà gọi về thăm hỏi, chúc Tết người thân ở quê nhà. Những cuộc gọi nối sóng giúp chúng tôi cảm giác gần nhau hơn và vơi đi nỗi nhớ Tết quê”, ông Chiên kể.
Với người con xa xứ, Tết Việt dù ở đâu vẫn đau đáu nhớ về. “Mỗi năm dù bận rộn đến đâu, tôi vẫn luôn cố gắng tổ chức cái Tết Việt thật ấm cúng, cả nhà cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, cùng quây quần bên nhau đón giao thừa để nhắc nhở con cháu về cội nguồn, về phong tục tập quán. Tôi luôn muốn giữ gìn khái niệm Tết cổ truyền để mai này dù ở đâu, cháu con cũng có thể cảm nhận được không khí ngày Tết đầy yêu thương, đầm ấm”, ông Chiên bộc bạch.
2.Đến đất nước Thụy Điển vài tháng trước, theo chương trình học bổng thạc sĩ: Học bổng Chính phủ Thụy Điển (The Swedish Institute Scholarship for Global Professionals), Dương Diễm My (quê Quảng Nam) tận dụng kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới để thực hiện những chuyến đi chơi đầu tiên cùng bạn bè đến Gothenburg và Copenhagen. “Từ khi sang Thụy Điển vào cuối tháng 8, tôi đã bắt đầu ngay vào việc học và hầu như chỉ tập trung vào trường lớp. Vì vậy, chuyến đi đó, cũng như trải nghiệm cái Tết xa nhà đầu tiên trên nước bạn khiến tôi vô cùng háo hức. Đây là cơ hội để tôi khám phá thêm vẻ đẹp của châu Âu, trải nghiệm văn hóa mới, và cũng là lúc để nạp lại năng lượng cho chặng đường học tập sắp tới. Dù xa quê hương và gia đình, tôi vẫn cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc ở đất nước mới, học hỏi từ môi trường xung quanh và tìm cách cân bằng cuộc sống của một du học sinh”, Diễm My bộc bạch.
Những ngày Tết dương lịch ở Thụy Điển, khi nhìn mọi người trang trí nhà cửa, mua sắm cho Giáng sinh và năm mới, Diễm My lại thấy càng nhớ nhà hơn. Nhất là khi thấy một số bạn bè đang du học ở đó sắp xếp hành lý lên đường trở về thăm gia đình trong kỳ nghỉ. Những cái vẫy tay chào tạm biệt bạn trong tiết giao mùa năm cũ và mới khiến Diễm My thoáng chút chạnh buồn và càng nhớ quê, nhớ mẹ hơn. “Tôi nhớ Tết âm lịch ngay từ những ngày khi không khí Noel và Tết dương lịch diễn ra với nhiều hoạt động rộn ràng ở đất nước Thụy Điển. Đây là cái Tết đầu tiên tôi xa nhà, không đón Tết cùng gia đình. Mẹ tôi có một cửa hàng tạp hóa, nên mỗi dịp Tết đến, mọi người ai cũng bận rộn chuẩn bị mua sắm. Không khí Tết với tôi luôn rất rõ ràng và đặc biệt: Từ hình ảnh mẹ chuẩn bị hàng Tết, tiếng cười nói rộn ràng của khách ghé mua, đến hương vị những món ăn ngày Tết như bánh chưng, dưa hành, và mứt gừng”, Diễm My kể.
Thời khắc giao thừa trong lòng mỗi người con xa xứ hẳn ai cũng vọng tưởng về quê hương. Cuộc sống mưu sinh, nhiều người phải ở lại. Giữa chộn rộn phố phường, xứ lạ, người Việt vẫn cùng nhau tổ chức một cái Tết thật ấm cúng, xua đi giá lạnh ngày tuyết rơi trắng phố. Những người Việt đến từ nhiều miền quê khác nhau bỗng gần nhau hơn nơi xứ lạ. Tết đoàn viên và đầy hy vọng! |
Diễm My bảo: “Với du học sinh như tôi, Tết là lúc mà tình cảm gia đình và quê hương trở nên thiêng liêng và rõ nét hơn bao giờ hết. Những ngày cận Tết, tôi cùng các bạn lên kế hoạch gói bánh chưng để giữ gìn văn hóa và tìm chút hơi ấm quê nhà. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng nguyên vật liệu để làm bánh chưng ở Thụy Điển không dễ tìm và giá thành lại cao nhưng vẫn cố gắng để cùng nhau đón một cái Tết xa quê thật ý nghĩa”. Khái niệm Tết đối với nữ du học sinh đến từ xứ Quảng – Dương Diễm My không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là lúc cả gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện và lời chúc đầy yêu thương. Xa nhà trong dịp Tết, Diễm My chọn cách gọi video call để được cùng cả nhà nói lời chúc mừng năm mới, mong cho mỗi thành viên trong gia đình nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Lời chúc ấy cũng được Diễm My và các bạn du học sinh Việt Nam gửi đến nhau, cùng nhau chia miếng bánh chưng, miếng mứt gừng nồng cay và cất cao tiếng hát “Việt Nam quê hương tôi”.
Phan Nhật Lệ
Bình luận (0)