Một số cuộc khảo sát của các cơ quan chức năng tại TP.HCM cho thấy hầu hết sữa đậu nành bán rong không đạt chất lượng về VSATTP.
Kết quả kiểm tra vi sinh từ các mẫu phẩm sữa đậu nành đường phố cho thấy ngoài chỉ số nhiễm khuẩn E.coli gấp 250 lần cho phép, nhiều loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy cũng đã được tìm thấy.
Điều kiện sản xuất kém vệ sinh ở một cơ sở nấu sữa đậu hành bỏ mối – Ảnh: X.H
Nhiều hóa chất cấm và vi sinh lẫn trong sữa
Khảo sát của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm – Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM đã đưa ra kết quả trong sữa đậu nành rong có nhiều hóa chất cấm dùng cho thực phẩm. Trong ba mẫu chất được sử dụng làm nguyên liệu chế biến sữa đậu nành được tìm thấy có chất trắng, qua phổ hồng ngoại và phát xạ huỳnh quang X (XRF) xác nhận mẫu là TiO2 (Titandioxide). Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thì chất TiO2 không được dùng trong thực phẩm vì chất này tạo ảo giác khiến người sử dụng cảm thấy đậu nành đậm đặc hơn. Nếu dùng trong thực phẩm phải là TiO2 loại thực phẩm (TiO2 food grade). Đặc biệt, trong kết quả phân tích bột trắng, ngoài TiO2 còn có hàm lượng Arsenic (As) rất cao 8,65 mg/kg, trong khi đó theo tiêu chuẩn của FAO/WHO (năm 2006), hàm lượng tối đa As chỉ là 2 mg/kg. Arsenic là nguyên nhân gây ra các bệnh dày sừng, tăng sắc tố, giảm sắc tố, ung thư da. Bên cạnh đó, Arsenic khiến người sử dụng bị rụng tóc, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, huyết tán, thiếu máu, tiểu đường, rối loạn về thai sản hoặc nặng hơn là ung thư.
Các vi sinh phát hiện thấy trong các mẫu sữa đậu nành đều rất dễ gây ngộ độc hoặc các bệnh đường ruột. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng phần lớn các trường hợp ngộ độc vì sữa đậu nành kém chất lượng đều do tụ cầu vàng gây nên. Khuẩn tụ cầu vàng thường có ở da tay, khi tiếp xúc với nguyên liệu hay sản phẩm sữa đậu nành, nếu người bán hàng không rửa tay hoặc bị viêm mũi, viêm họng, ho thì nguy cơ sữa đậu nành bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng của họ rất cao. Trên thực tế, vi khuẩn này có khả năng sinh độc tố ruột. Khi chúng sống trong điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ môi trường gia tăng đột ngột, thiếu ô-xy, sự mất cân bằng áp suất thẩm thấu…, độc tố ruột hình thành rất nhanh và gây ngộ độc cấp tính; thường từ 2 – 6 giờ với triệu chứng gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, vã mồ hôi, mạch yếu…
Thận trọng khi uống sữa đậu nành rong
Sữa đậu nành là thức uống tốt cho sức khỏe nếu được nấu tại nhà và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, điều này thật khó kiểm chứng ở những hàng bán sữa đậu nành rong vì có rất nhiều nguy cơ trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và bảo quản. Nếu không chú ý đến vấn đề VSATTP thì chính những ly sữa đậu nành “nạp” vào cơ thể mỗi ngày sẽ thành tác nhân nguy cơ gây bệnh. Sữa đậu nành đóng túi nylon chỉ nên dùng trong ngày, chỉ dùng nếu còn màu trắng đục và thơm mùi đậu tương, nếu có mùi chua và xuất hiện váng thì phải bỏ.
Để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, ghi rõ nơi sản xuất có giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra và chỉ cho phép các sản phẩm sữa đậu nành được sản xuất công nghiệp với quy trình hiện đại khép kín, đạt các tiêu chuẩn về VSATTP mới được phép lưu hành trên thị trường… Trong khi cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết chất lượng vệ sinh sữa đậu nành đường phố, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tự nấu sữa đậu nành uống tại nhà hoặc sử dụng các sản phẩm sữa đậu nành có nhãn mác rõ ràng.
Còn trong trường hợp những người tiêu dùng quen sử dụng sữa đậu nành tự nhiên nhưng không có thời gian chế biến, hãy lưu ý khi uống sữa đậu nành rong để tránh ngộ độc thực phẩm. Nên mua sữa ở những người nấu đáng tin cậy và mua vào buổi sáng sớm khi sữa còn nóng, không đựng trong chai nhựa vì những chai này chỉ sử dụng một lần, việc súc rửa lại không theo quy trình thì không thể đảm bảo VSATTP. Tốt nhất là dùng bình đựng sữa ở nhà mang theo để mua sữa đậu nành rong vì những hàng rong trong điều kiện thiếu nước cũng không rửa sạch ly hoặc có thể đựng trong túi nylon sạch.
Xuân Hương / TNO
Bình luận (0)