Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Rước bệnh” từ xe quá niên hạn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều hộ dân vẫn sử dụng những chiếc xe lam cũ nát vì cuộc mưu sinh
Vì gia cảnh khó khăn, vì không đủ vốn để chuyển nghề hoặc chuyển đổi phương tiện vận chuyển theo quy định, nhiều hộ dân ở TP.HCM và một số tỉnh vẫn cố dùng xe lam để mưu sinh, dù biết rằng nghị định 23/2004/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào năm 2004 đã cấm loại xe này lưu thông do quá niên hạn sử dụng vì gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Vì cuộc mưu sinh
Đây hầu như là lý do phổ biến của những chủ xe hiện vẫn còn sử dụng xe lam để mưu sinh. Ông An, một ông chủ của hai chiếc xe lam ở gần chợ Tân Bình cho hay gần 20 năm qua ông dùng duy nhất loại xe này để chở thuê bất cứ thứ gì, từ vải vóc, quần áo, vật liệu xây dựng, hàng gia dụng… Hai chiếc xe lam này là “của hồi môn” do cha mẹ vợ cho khi các cụ đi xuất cảnh. Cũng kể từ đó, người đàn ông này bỏ nghề xe ôm để làm chủ xe lam. Một chiếc ông An lái, còn một chiếc người con trai cả lo. Hai cha con ông An làm việc cật lực để nuôi sống gia đình 7 người, lo học hành cho con cái và lo trả nợ vì vợ ông bệnh trong thời gian dài. Hai chiếc xe đã cũ, lâu lâu được sơn lại cho sáng sủa nhưng bên trong nó đã cọc cạch lắm rồi. Hồi Nhà nước cấm xe lam lưu thông, ông An tính bỏ xe lam trở về nghề xe ôm, nhưng thấy làm như thế không đủ lo cái ăn cho gia đình nên ông lại thôi. “Lúc đó hết cách, lại tính đường bán xe lam để mua một chiếc xe tải nhỏ nhưng không đủ tiền nên đành chịu” – ông An cho biết.
Không may mắn như ông An, vợ chồng anh Lành quê Đồng Tháp bước chân lên TP.HCM với hai bàn tay trắng. Cả hai đều không biết chữ, nên ban đầu xin làm công nhân rác. Tính tình hiền lành nên được chủ thầu thương, cho vợ chồng anh thuê chiếc xe lam cũ xỉn, đã rách nhiều chỗ ở phía mặt tiền với giá mềm và còn khoán cho một phường ở Bình Thạnh để vợ chồng anh tự mưu sinh. Đôi vợ chồng chất phác nói rằng họ có biết quy định cấm sử dụng loại xe này, nhưng hoàn cảnh không cho họ có lựa chọn khác.
Cũng ý thức được lệnh cấm nhưng cũng như bao người, anh Quang, một lái xe thuê vẫn gắn bó với nghề vì anh trước đây mới học hết lớp 4, không thể thi bằng lái xe như người ta nên đành chịu phận lái xe lam. Chiếc xe anh Quang lái đã cũ lắm, thân xe loang lổ sơn vàng, một chiếc đèn bên phải bị bể lâu rồi mà chưa thay. Người thanh niên hay chở đồ thuê cho mấy vựa cây cảnh ở đường Thành Thái, quận 10 cho rằng “Điều quan trọng với tôi là kiếm tiền nuôi sống vợ con, chứ biết lệnh cấm mà vẫn lưu thông là tôi thấy mình sai”.
Hệ lụy từ xe quá niên hạn
Xe lam là tên gọi tiếng Việt của xe 3 bánh kiểu Lambro thuộc dòng xe Lambretta sản xuất ở Ý. Từ những năm 60 thế kỷ trước, xe lam bắt đầu trở thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam. Vào năm 2004, sau khi nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành (nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe lam bị hạn chế và sau đó bị cấm hẳn.
Theo BS. Nguyễn Văn Tiến (Bệnh viện 175 – TP.HCM) thì, rất nhiều nguy cơ bệnh tật từ khí thải của xe cộ, nhất là các loại xe quá niên hạn sử dụng. Các chuyên gia giải thích rằng xe quá niên hạn sử dụng sẽ xả thải ra không khí nhiều hơn mức cho phép với một số lượng lớn các chất thải độc hại phát tán ra môi trường là nguy cơ gây các bệnh hô hấp, rối loạn hormone hệ thần kinh và hệ sinh sản, ảnh hưởng tới thai nhi, tiểu đường thậm chí còn là tác nhân gây ung thư.
Nhiều chuyên gia môi trường cũng khẳng định, khí thải của các phương tiện giao thông gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia giao thông và cộng đồng là vấn đề cần được các cơ quan hữu quan quan tâm, tìm phương hướng giải quyết. Bên cạnh đó, người dân cần tự giác sử dụng những phương tiện giao thông đúng quy chuẩn và tuân thủ các quy định về bảo dưỡng, đăng kiểm.
Tuy nhiên, theo như lời của những người đang “cố tình” sử dụng các loại phương tiện giao thông “quá đát”, chính quyền khi ban hành lệnh cấm sử dụng xe quá niên hạn, đồng thời cũng cần hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện giao thông phù hợp, vì người trực tiếp sử dụng loại phương tiện này chủ yếu là lao động nghèo.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nguy cơ bệnh tiểu đường từ khói xe
BS. Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Theo kết quả của một nghiên cứu cho thấy, chất thải là khí nitơ dioxit, một trong những nguyên nhân góp phần gây nên bệnh tiểu đường đối với những người thường xuyên hít thở không khí ô nhiễm do khí thải xe cộ trong vòng 10 năm, cao gấp 3 lần những người sống trong môi trường trong lành”. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)