Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rước bệnh về cho con

Tạp Chí Giáo Dục

Các bậc phụ huynh không nên tập thói quen làm đẹp cho trẻ quá sớm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Duy England
Không khó bắt gặp trên đường phố hình ảnh trẻ em Việt chỉ mới 5-6 tuổi đầu nhưng mái tóc màu vàng hoe, đỏ, hạt dẻ, tím, uốn xoăn, mặt trang điểm, đeo nữ trang đắt tiền… Có thể nói, “mốt” làm đẹp cho trẻ ngày càng phổ biến ở nước ta hiện nay. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật cho trẻ…
Đây không chỉ là cách tập thói quen không tốt cho trẻ, mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà phần lớn các bậc cha mẹ ít nhận ra.
“Mốt” nhuộm tóc cho trẻ
Đùng một cái, bà Nguyễn Thị Loan (phường 8 – Q.Phú Nhuận – TP.HCM) “bật ngửa” khi đi làm về phát hiện bé Anh Thư (năm tuổi) cháu nội bà có mái tóc màu vàng kim. Hỏi ra mới biết, ở đầu hẻm vừa mới khai trương tiệm uốn tóc nên chị Kim Anh – mẹ của bé Thư đã đưa con qua tiệm nhuộm tóc cho “đã xinh còn xinh hơn”. Bà Loan gọi điện thoại cho người bạn vốn là bác sĩ thì được khuyến cáo: “Cháu còn nhỏ thế mà nhuộm làm gì. Nhiều thứ bất lợi lắm như bệnh về da đầu, viêm nhiễm… Thuốc nhuộm có nhiều hóa chất, sau này tóc cháu sẽ bị hư tổn. Về mặt xã hội thì người ta sẽ không thích, còn nhỏ mà như vậy không khéo lớn lên trở thành người chảnh, chỉ biết ăn diện thôi, khó dạy dỗ…”. Tuy nhiên, chị Kim Anh phản bác lại: “Mẹ khéo lo, ngoài đường trẻ nhuộm tóc thiếu gì, đâu chỉ có bé Thư. Mà bé có gương mặt xinh xắn, dễ thương, nước da trắng trẻo nhuộm tóc làm cho gương mặt bé càng sáng hơn. Mẹ về đúng lúc con mới gội đầu cho bé, chưa kịp vuốt gel, bé Thư mà trang điểm nữa thì không khác gì trẻ em nước ngoài đâu”. Bà Loan nghe thế chỉ biết thở dài. Hiện, rất nhiều phụ huynh thấy con mình có gương mặt khả ái nên đã không tiếc bỏ công, bỏ của ra làm đẹp cho con mình cho giống như những “hoàng tử, công chúa” nhỏ.
Vừa đến thăm nhà một người bạn ở Q.8 – TP.HCM, chị Nga bắt gặp một bé trai khoảng 5-6 tuổi tóc nhuộm đỏ hoe. Khi hỏi chuyện Tuấn – tên đứa trẻ rằng cháu có thích mái tóc nhuộm của mình không, Tuấn kiêu hãnh trả lời: “Cháu thích vì cháu sành điệu. Nhiều bạn bè của cháu cũng nhuộm như vậy đấy”. Hỏi chuyện chị Ngân – mẹ bé Tuấn tại sao lại nhuộm tóc cho con mình sớm như vậy, chị hồn nhiên: “Tôi thấy mấy đứa trong xóm nhuộm, nên cũng cho con nhuộm để theo kịp bạn bè. Năm sau cháu đủ tuổi thi Đồ Rê Mí, tôi sẽ duỗi tóc cho cháu. Con tôi thông minh, lanh lợi, đẹp trai, làm tóc như thế cho nó có cá tính?!?”. Chị Ánh – nhà bên cạnh, mẹ của bé SuSu (sáu tuổi) nói thêm vào: “Có tốn kém là bao nhưng nhìn con xinh hơn trông thích lắm. Nếu nghèo thì đã đành, có của ăn của để thì phải chưng diện cho con chứ. Trẻ con nước ngoài được tiếp xúc, làm quen với trang điểm từ rất sớm. Tôi muốn con mình cũng như vậy”.
Nguy hiểm chực chờ
Theo TS-BS. Nguyễn Hoài Nam – Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM thì: “Về tác hại sức khỏe, thuốc nhuộm vốn dĩ dùng cho người lớn đã không tốt, huống gì trẻ em. Nếu gặp phải thuốc nhuộm dỏm thì khá nguy hiểm, bởi vì da các em còn rất non nớt, chưa nhiều sức đề kháng, hóa chất sẽ tiếp xúc với da đầu. Quan điểm của tôi là không cho trẻ tiếp xúc với hóa mỹ phẩm sớm như vậy”. Đồng quan điểm, BS. Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện 175 TP.HCM cho biết: “Không nên can thiệp tóc trẻ quá sớm bằng hóa chất như uốn, nối, nhuộm… Các bé da rất mỏng và dễ nhạy cảm, nên khi nhuộm tóc cho trẻ em các em sẽ thường mắc phải các bệnh về da đầu như nấm tóc, hay rụng tóc dẫn đến trọc đầu mà không mọc được tóc…”. Cũng theo BS. Tiến, không chỉ nhuộm tóc mà các bậc cha mẹ cũng không nên làm đẹp cho con bằng trang sức quá sớm. Với trẻ em, đặc biệt là các bé gái, cha mẹ hay có thói quen đeo đồ trang sức cho trẻ từ rất sớm. Nhưng việc đeo lắc, vòng, dây chuyền…  nhiều khi lại gây ra những tổn thương trên cơ thể, sức khỏe của trẻ. Các trang sức chất liệu bằng sắt, đồng… dễ khiến da trẻ bị dị ứng dẫn đến viêm da. Ngay cả trang sức bằng bạc – một chất liệu mà cha mẹ hay chọn cho bé nhiều khi cũng gây sự cố đáng tiếc. Nhiều bậc cha mẹ đeo vòng cổ, lắc tay, chân bằng bạc cho trẻ hay chọn vòng kiểu sắc nhọn, nhiều chi tiết, khiến da trẻ cũng bị tổn thương và gây viêm nhiễm. Một nghiên cứu mới đây phát hiện, khi đeo nữ trang, đặc biệt là loại rẻ tiền, trẻ còn có thể bị nhiễm các kim loại độc hại với nồng độ vượt hàng trăm lần cho phép, vì trẻ dễ cho vào miệng ngậm hoặc tình cờ nuốt. Khi những đồ nữ trang này bị trầy xước hoặc gãy – điều thường xảy ra khi trẻ đeo hoặc chơi với chúng thường xuyên – nguy cơ tiếp xúc với cadmi (kim loại độc hại) còn cao hơn.
Thu Hiền

Thế hệ 9X với mái tóc vàng, nâu đi trên đường phố đã không làm vừa lòng nhiều phụ huynh. Nhưng lạ thay, chính những người “ngứa” mắt vì cho rằng “tuổi teen bây giờ đua đòi, hư hỏng” lại rất hồ hởi khi nhuộm tóc, trang điểm, đeo trang sức cho con trẻ của mình dù mới 5-6 tuổi đầu?!?

 

Bình luận (0)