Những que kem mát lạnh, ngọt lịm không thể thiếu trong mùa hè. Tuy nhiên, theo thống kê có gần 1/2 các cơ sở sản xuất chưa đăng ký kinh doanh với các cơ quan chức năng. Và khi đó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với kem của những cơ sở này liệu có an toàn?
Thành phần nguyên liệu chính của kem thường chủ yếu là đường, sữa, dừa và bột. Ngoài ra còn có thêm các thành phần phụ khác như hương liệu, mùi, chất ổn định, ca cao, bơ, trái cây tươi… Nhưng kem bán cho học sinh ở các cổng trường, bán dạo ở khắp các vùng nông thôn đa số là kem đá, kem tự chế biến ở các hộ gia đình. Công thức chế biến cũng khá đơn giản, chỉ cần pha chế một số nước lã, đường hóa học và thêm các loại hương liệu cho vào máy làm đông vài tiếng đồng hồ sau là có thể đem bán.
Nên chọn mua kem có nguồn gốc rõ ràng để phòng tránh ngộ độc.
Nguyên liệu để sản xuất loại kem này thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đó là nước lã, có chứa vi khuẩn E.Coli gây bệnh đường ruột, đường hóa học và các loại hương liệu, phẩm màu không có nguồn gốc… Nhiều loại kem không đạt tiêu chuẩn về tỷ lệ nhiễm vi sinh, không đạt về chất tạo ngọt nhân tạo do có cyclamat và hàm lượng saccharin vượt tiêu chuẩn cho phép. Về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, nhất là đối với trẻ em.
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau lấy mẫu kem của cơ sở sản xuất do ông Trần Thanh Phong ở ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau, làm chủ chuyên cung cấp hàng cho người bán dạo trong vùng, kiểm tra phát hiện có chứa đường hóa học và vi khuẩn E.Coli gây bệnh đường ruột. Kiểm tra khu vực sản xuất của cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều hộp kem thiếu nhãn mác, không nguồn gốc rõ ràng… Thanh tra y tế đang tiến hành xử phạt cơ sở sản xuất, kinh doanh kem này vì vi phạm các quy định về ATVSTP.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng những loại kem không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP.
Theo Khánh Anh
Sức khỏe & đời sống
Bình luận (0)