Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, hồi hộp, lo âu… là những biểu hiện được chuyên gia y tế xác định là có liên quan đến việc sử dụng đồng hồ báo thức một cách thường xuyên. Đáng lo là thói quen tưởng chừng vô hại này đang được sử dụng rất phổ biến.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, lạm dụng đồng hồ báo thức thường xuyên là nguyên nhân gây bệnh huyết áp và tim mạch |
Báo thức và… rước bệnh
Hệ lụy đó cả hai vợ chồng anh Bùi Tấn Phát (ngụ phường 6, Tân Bình) đều vướng phải do thói quen hẹn giờ báo thức bằng cả đồng hồ báo thức và điện thoại trong nhiều năm qua. Anh Phát hiện đang làm trợ lý giám đốc cho một công ty xây dựng, thường xuyên đi công tác tỉnh vì những buổi họp vào đầu giờ của ngày mới, nên “bắt buộc phải hẹn giờ báo thức để có thể thức dậy vào lúc 3-4 giờ sáng để đi cho kịp”. Ngoài những giờ báo thức theo lịch công tác, vợ chồng anh cũng thường xuyên để báo thức lúc 5g30 – 6g00 (cách 5 phút báo thức 1 lần) để cả hai vợ chồng không bị trễ giờ làm hành chánh và con cái không bị trễ học. Đó cũng là lý do khiến cho cả hai người bị tăng huyết áp (≥ 160mmHg) và có nhịp tim tăng cao bất thường, trên 100-120 nhịp/phút ngay cả khi không có tác động của bất kỳ yếu tố nào có liên quan khiến tim đập nhanh như leo cầu thang, hoạt động thể chất mạnh, uống rượu bia, hút thuốc lá… Trong khi nhịp tim ở người trưởng thành khỏe mạnh thường dao động trong khoảng 60-100 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi. Thậm chí vào ban đêm họ còn nghe rõ “tiếng” tim đập nhanh, mạnh như tiếng trống ngực liên hồi. Vợ chồng anh Phát trong thời gian gần đây còn rơi vào tình trạng hồi hộp, tức ngực, đau đầu, hơi thở nông, uể oải, dễ cáu gắt vô cớ, thỉnh thoảng mất ngủ không rõ nguyên nhân.
Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, con người từ trạng thái ngủ say chuyển sang trạng thái tỉnh táo sau khi thức giấc, hô hấp tăng từ 16 nhịp/phút lên 24 nhịp/phút, nhịp tim tăng nhanh 10 lần/phút, sóng não từ 8 lần/giây tăng lên 30 lần/giây. Do đó, khi đang ngủ sâu đột nhiên bị đánh thức bởi tiếng chuông báo thức, sẽ khiến cho cơ thể có sự thay đổi bất ngờ, sinh ra hàng loạt các cảm giác tiêu cực như hoảng hốt, tâm trạng tụt dốc, cảm giác trống rỗng, uể oải, khó chịu. Viện Y tế Công nghiệp Quốc gia Nhật Bản cũng xác nhận, âm thanh của đồng hồ báo thức khi kéo con người khỏi giấc ngủ sâu một cách đột ngột sẽ gây ra một chuỗi phản ứng liên hoàn, làm phát sinh ra hợp chất adrenaline, khiến nhịp tim tăng lên đột ngột, dẫn đến huyết áp cao và có thể “bức tử” trái tim ngay lập tức. Nếu trạng thái này diễn ra liên tục có thể gây bệnh huyết áp cao, yếu tim, mất ngủ, ức chế tinh thần, ức chế hệ thần kinh trung ương…
Tập dậy sớm bằng đồng hồ sinh học
Theo khuyến cáo của Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia), giấc ngủ của con người được chia thành nhiều chu kỳ sinh học (kéo dài từ 60 – 90 phút/chu kỳ) và mỗi chu kỳ lại gồm giai đoạn ngủ nhanh, chậm có độ sâu khác nhau, nếu giấc ngủ bị cắt ngang giữa chừng sẽ khiến cho cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, toàn thân rã rời khi thức giấc. Do đó, để cơ thể được phục hồi thì con người cần nghỉ ngơi đầy đủ từ 4 – 6 chu kỳ sinh học. Đây cũng là lý do không nên thức giấc theo đồng hồ báo thức thường xuyên, mà nên thức giấc theo đồng hồ sinh học của cơ thể.
Theo khuyến cáo của Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), tình trạng lặp lại báo thức cũng là hành động gây hại cho sức khỏe, vì báo thức reo rồi lại tắt nhiều lần khiến cơ thể bị đánh thức liên tục, không thể rơi vào trạng thái ngủ sâu nên cơ thể sẽ càng mệt mỏi, uể oải hơn sau khi thức dậy. Trạng thái này có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, tổn thương chức năng sinh học của bộ não. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại để báo thức cũng là việc không tốt, vì sóng bức xạ từ điện thoại tác động đến hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng đau đầu, mất ngủ, rụng tóc. Về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cả nam và nữ. |
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tạo thói quen đi ngủ đúng giờ, đủ giấc, thì việc đánh thức cơ thể một cách tự nhiên và nhẹ nhàng một cách hiệu quả là tận dụng ánh sáng mặt trời lúc bình minh. Vì khi đồng hồ sinh học của con người cảm nhận được ánh sáng mặt trời, cơ thể sẽ giảm tốc độ quá trình tiết melatonin (hormone nội sinh điều hòa nhịp sinh học ngủ – thức của cơ thể), thay vào đó đẩy mạnh quá trình trao đổi chất serotonin. Sự thay đổi này khiến các cơ quan trong cơ thể dần dần thay đổi trạng thái từ ngủ say sang dần tỉnh giấc. Chính vì lợi ích này, nên chuyên gia y tế khuyên nên đặt giường ngủ bên cạnh cửa sổ, để có thể hứng trọn ánh sáng mặt trời buổi sáng, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa có được tâm trạng sảng khoái khi ngày mới bắt đầu.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)